Kỹ thuật trồng hoa hồng bạch trà mang vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết cho tư gia

Hoa hồng bạch trà mang một vẻ đẹp thẹn thùng trong trắng, e ấp, dịu dàng nhưng cũng khá nổi bật bởi màu sắc trắng trong, trắng sữa và trắng ngà.

Với vẻ đẹp thuần khiết này, người ta đều tin rằng đây là loại cây mang màu sắc của sự hoàn thiện, tao nhã và thanh cao, sự ngây thơ, trong trắng và dịu dàng.

Trong tình yêu hoa được tượng trưng cho một tình yêu trong trắng và cao thượng. Thường được dùng trong những buổi lễ kết hôn. Ngoài ra, hoa hồng bạch còn mang ý nghĩa cho sự kính trọng, tôn vinh và biết ơn người đã khuất.


Kỹ thuật trồng hoa hồng bạch trà mang vẻ đẹp thuần khiết cho ngôi nhà ngày Xuân. Ảnh minh họa

Điều kiện nhiệt độ trồng cây hoa hồng bạch trà

Cây hoa hồng bạch trà có đặc điểm sinh trưởng trung bình. Thường nở vào mùa thu, cây ưa ánh sáng nên cần có ánh sáng tốt mới sinh trưởng và phát triển bình thường. Nhiệt độ thích hợp là 23 – 25 độ C. Ban đêm là 16 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn cây sẽ sinh trưởng chậm và cho sản lượng thấp. Độ ẩm phù hợp là từ 70 – 80 %. Phù hợp với các loại đất thịt, đất nhẹ không bị ngập úng, độ pH khoảng từ 6 – 6,5.

Thời vụ trồng hoa hồng bạch trà

Một đặc điểm khá thuận lợi khi trồng hoa hồng đó là có thể tiến hành trồng quanh năm nhất là với phương pháp giâm cành. Tuy nhiên để đảm bảo tốt nhất ở vụ xuân từ tháng 2 - 4, vụ thu là từ tháng 8 - 10. Ở 2 vụ này cây cho tỉ lệ sống cao, nhanh ra rễ, đồng thời khi trồng ra sản xuất tỷ lệ cây chết cũng thấp nhất.

Kỹ thuật trồng cây hoa hồng bạch trà

Kỹ thuật trồng cây hoa hồng bạch trà có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành, ghép, chọn giống từ biến dị chồi hoặc lai hữu tính, cây nuôi lấy mô…

Để trồng hoa hồng bạch trà thành công cần sử dụng loại hồng bánh tẻ không quá non hoặc quá già, tốt nhất là chọn những loại cành đang mang hoa ở giải đoạn sử dụng, các cành có mắt bằng hạt gạo, không nên lấy những cành có mắt mù hoặc mắt đã bật lộc. Lưu ý khi cắt cành phải đảm bảo độ vát theo hướng là 30 độ, dùng dao sắc để cắt tránh trường hợp cành bị dập nát.

Sau khi cắt cành xong cho cành nhúng nhanh vào dung dịch kích thích ra rễ pha sắn rồi cắm vào giá thể. Sử dụng cồn là dung môi để pha chế thuốc. Dùng tay cắm cành thẳng đứng, ngay ngắn, sâu khoảng 2 cm. Cần cắm vào chính giữa các lỗ trong khay đã được chuẩn bị sẵn đất và tưới đủ ẩm.

Cách chăm sóc hoa hồng bạch trà

Trồng hoa hồng trong thời gian đầu cần đảm bảo đủ độ ẩm, thường xuyên nhặt bỏ lá úa, cành tăm, cành đã héo úa để loại bỏ những bệnh truyền nhiễm. Sau khi giâm từ 5 đến 10 ngày cần phun lên cành một số loại thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá. Cứ 10 ngày phun lại một lần.

Phòng bệnh cho cây hoa hồng bạch trà

Trồng hoa hồng bạch trà phải thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh như nhện đỏ, rệp, phấn trắng, bệnh đốm đen. Để phòng trừ sâu bệnh hại cây cần sử dụng các loại thuốc đặc trị nhưng phải theo sự hướng dẫn.

Tác dụng của hoa hồng bạch trà

Chữa ho: Hoa hồng bạch trà (15g) cho thêm 1 thìa đường phèn đem sắc hoặc hấp uống hàng ngày, uống còn nóng. Uống liền 1 tuần.

Nếu nhà có trẻ bị ho có thể lấy cánh hoa hồng bạch tươi (15g), một quả quất chín, 1/2 thìa mật ong hoặc đường phèn, hấp cách thủy cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Chữa nhiệt miệng: Ngâm cánh hoa hồng 10-15g với 30ml rượu trắng trong 24 giờ. Đun nhỏ lửa đến khi sền sệt, cho thêm 1 thìa mật ong đun sôi để nguội. Dùng tăm bông sạch thấm thuốc bôi vào chỗ đau, ngày 2-4 lần

Chữa táo bón: Hồng bạch tươi hoặc khô 20-40g hãm với 100ml nước sôi trong 15-20 phút, có thể thêm 1 thìa mật ong hoặc đường phèn, uống trước bữa ăn.

Thư giãn cơ thể: Khi các bạn cảm thấy căng thẳng hay mệt mỏi có thể rắc cánh hoa hồng vào bát nước nóng, đặt ở trong phòng. Cách này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cẳng thẳng, ngoài ra cũng tốt với những bạn bị lạnh đỉnh đầu hoặccảm cúm.

Ngoài ra, các bạn còn có thể đốt, xông bằng tinh dầu hoa hồng. Vì tinh dầu hoa hồng kích thích và điều hòa hệ kháng thể cũng như hệ thần kinh của con người, làm tăng hoạt động của các tuyến nội tiết.

Theo An Dương/ VietQ

Các tin khác