Chia sẻ kinh nghiệm: Nuôi cả ngàn con bò sữa không một chút mùi hôi

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi vào trang trại của các hộ nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu, là đường ra lối vào khu chăn nuôi luôn sạch sẽ dù mỗi một khu trang trại có từ hàng chục đến hàng trăm con bò. Theo nhừng nông dân nuôi bò, mỗi ngày đàn bò thải ra một khối lượng lớn chất thải. Thế nhưng điều ngạc nhiên là tại những trang trại này chúng tôi nhận thấy không còn nồng nặc mùi chất thải của động vật như trước đây, mà nhiều người đi qua không thể không bịt mũi.

Quan sát kỹ thấy rằng: Mỗi một trang trại được xây dựng một hệ thống xử lý chất thải khép kín, vận hành liên tục, đây chính là yếu tố làm cho môi trường luôn đảm bảo vệ sinh.


Tại các trang trại bò sữa ở Mộc Châu, mỗi trang trại có hàng chục, thậm chí hàng trăm con bò, mỗi ngày chúng thải ra một khối lượng lớn chất thải cần được xử lý

Đến thăm khu trang trại bò sữa rộng khoảng 2.000m2 của ông Đậu Đình Thanh, ở tiểu khu 70 (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La), đang nuôi gần 30 con bò sữa, chỉ nằm cách khu dân cư một con đường nhưng bầu không khí rất trong lành, không ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Kết quả đó là nhờ ông Thanh áp dụng khoa học kỹ thuật trong khâu xử lý chất thải ra từ đàn bò sữa.


Hệ thống xử lý nước thải khép kín được các hộ nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu ứng dụng đang phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường

Ông Thanh cho hay: Để có được môi trường chăn nuôi an toàn như bây giờ, cách đây 5 năm tôi đã phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải khép kín. Tất cả các hỗn hợp chất thải, như: Nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại… đều được gom hết vào bể chứa để xử lý. “Trong quá trình nuôi, bò thải ra một khối lượng chất thải rất lớn, chúng chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, có hại cho cả đàn bò và con người, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân xung quanh. Vì thế cần xử lý tốt vấn đề môi trường” - ông Thanh nói.


Mọi chất thải đều được xử lý một cách khoa học nhờ hệ thống khép kín trong khu chăn nuôi

Theo ông Thanh: Để xử lý lượng chất thải này, trước đó toàn bộ chất thải rắn được gom lại vào một bể riêng ủ để làm phân bón, còn nước thải như, nước tiểu, nước rửa chuồng… cho vào bể lắng (được ngăn thành 3 bể riêng biệt), được xử lý qua 3 bước. Bước 1, toàn bộ nước thải từ chuồng bò được thu hết vào một bể. Bước 2, cho nước thải chảy từ bể 1 sang bể thứ 2 để nuôi cấy vi sinh. Loại vi sinh này được nuôi cấy trong thùng phi khoảng một tuần sau đó đem đổ vào bể nước thải, chúng có tác dụng khử mùi, giảm hàm lượng chất rắn. Bước 3, ở bể chứa thứ 3 nước thải được đảo và sục khí để vi sinh vật phát triển. Khi nước thải qua xử lý, đạt đến độ an toàn nhất định, chúng được lấy quay trở lại làm phân bón tưới cho đồng cỏ, vườn rau và cây cối…


Khu vực xử lý chất thải của bò sữa

Nhờ cách làm này mà môi trường tại trang trại bò sữa của ông Thanh luôn sạch sẽ, đàn bò luôn khỏe mạnh, ít bênh tật, phát triển tốt. Ngoài ra, cùng với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, ông Thanh còn tăng cường khẩu phần thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng, kích thích khả năng tiết sữa cho bò. Chính vì vậy, mỗi trang trại bò của ông Thanh cho thu từ 10 – 11 tấn sữa tươi, trung bình mỗi năm ông Thanh đút túi hơn 500 triệu tiền lãi.

Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình nuôi bò sữa ở Mộc Châu đã và đang áp dụng quy trình xử lý nước thải khép kín như ông Thanh, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, thúc đẩy nghề nuôi bò sữa phát triển bền vững.

Ông Phạm Hải Nam, Phó Giám đốc, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết: Chăn nuôi bò sữa đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung. Tất cả các khâu từ chăn nuôi đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sữa đều được Công ty thực hiện theo một quy trình khép kín. Hiện công ty đang quản lý gần 23 nghìn con bò sữa, với gần 600 hộ tham gia chăn nuôi, sản lượng sữa mỗi năm đạt gần 80.000 tấn. Với một số lượng đàn bò lớn như vậy nên nhiều năm qua, Công ty luôn xác định: Chăn nuôi phải luôn gắn với yếu tố bảo vệ môi trường. 

Theo QUỐC ĐỊNH/ DÂN VIỆT

Các tin khác