Giá heo hơi 11/8: Thương lái "không dám chê" lợn xấu, đẹp, nhà nông vẫn hồi hộp


Do giá heo hơi hôm nay tăng cao, thị trường nguồn cung không nhiều nên thương lái đến tận nhà người nuôi lùng mua lợn, người dân tiêu thụ thuận lợi. Ảnh minh hoạ

Thương lái “không dám chê” lợn xấu, đẹp

Ông Trần Hữu Trung, hộ chăn nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, 3 ngày trước giá lợn hơi vẫn được thương lái chốt ở mức 50.000 đồng/kg. Đến sáng nay, ngoài thị trường đã giảm đi 1 giá (1.000 đồng/kg).

Mấy hôm trước, người dân thấy giá cao, còn ghim hàng lại nhưng khi giá bắt đầu chững lại thì họ lại gọi thương lái để bán lợn ồ ạt, kể cả lợn 80 kg cũng có người rao bán. Theo ông Trung, ngoài lượng hàng đi TP.HCM, một phần lợn được gom đưa đi miền Trung, miền Bắc để hưởng chênh lệch vì giá tại 2 vùng này cao hơn, chứ không hề sang Trung Quốc.

Mấy ngày qua, Đồng Nai liên tục gặp những cơn mưa lớn. Giá chững lại cũng một phần vì mưa gió ảnh hưởng đến tuyến đường lưu thông. “Tại các chợ lẻ, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm do họ chuyển sang các loại thực phẩm khác, nên dù lợn đắt mà thịt ngoài chợ bán không trôi”, ông Trung giải thích.

Nhưng khác thời điểm giá lợn rẻ, là hiện nay thương lái không còn ép giá nông dân. Nếu chê nông dân gọi lái khác ngay. Anh Phan Anh Minh, thương lái ở Thống Nhất cho biết, hiện giờ thương lái cần hàng. Mua ngày nào đi ngày đó chứ không dám giữ lâu nên giá cũng liên tục thay đổi, sáng 1 giá, đến chiều lại 1 giá khác.

Mỗi chuyến lái thương lái cũng lời từ 100.000 - 200.000 đồng/1 tạ lợn hơi. Xe chở 100 con thì cũng kiếm 10 - 20 triệu đồng. Chỉ cần lợn không chết dọc đường và thường là lợn 110 kg/con đổ lại.

“Có nhiều mối để tiêu thụ nhưng thương lái sẽ ưu tiên cho các lò mổ tại địa phương trước. Lợn không phải vận chuyển đi xa nên sẽ mua giá nhích hơn thương lái đường dài”, anh Minh nói.

Giá sẽ giảm dần về ngưỡng hợp lý

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sau đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua, nhiều nơi đã ngưng nuôi. Số lượng lợn không còn đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nên gây chênh lệch giá giữa các miền. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn là thị trường tiêu thụ chính của lợn Đồng Nai với số lượng khoảng 6.000 con/ngày. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết mức giá sẽ kéo giảm dần về ngưỡng hợp lý hơn dưới 50.000 đồng/kg.


Dự báo giá heo hơi (lợn hơi) sẽ còn cao trong một thời gian nữa, sau đó sẽ giảm chậm dần và ổn định đến cuối năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Còn theo ông Trần Văn Công, chủ trại lợn ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), đây là quãng thời gian tăng giá khá dài từ cuối tháng 4/2018. Điều này kích thích việc tăng đàn lợn trong dân chứ thực tế nông hộ không lời nhiều.

“Dân thì có mấy người bán được trong lúc giá lên đỉnh điểm? Chẳng qua là lợn đến lứa thì phải bán, khác với lợn của công ty nuôi gối đầu liên tục nên có lợn bán hàng ngày”, ông Công nói.

Tại trang trại của mình, ông Công cũng vừa nhập thêm lợn nái hậu bị. Ông cho biết hiện vẫn chưa nhiều người dám tăng đàn mà chỉ tăng cường chăm sóc con nái, nuôi cho tốt để đẻ sai, lấy con nuôi thịt nhiều hơn thôi.

Hiện giá con giống từ các doanh nghiệp bán ra 100.000 - 120.000 đồng/kg, vì vậy người nuôi không đánh liều bỏ tiền mua mà sẽ mua lợn nái để sinh sản. Vài tháng sau, nếu giá cao họ sẽ bán lợn giống, giá thấp thì họ nuôi tiếp lên thành lợn thịt.

“Cũng vì lượng lợn tăng đàn hiện nay trong dân không nhiều và không kịp, vài tháng nữa mới có lợn ra. Dự báo đến cuối năm, giá không kịch trần nữa mà ổn định chừng 40.000 - 45.000 đồng/kg”, ông Công nhận định.

Trong khi đó ông Trung dự tính, thời gian tới sẽ vào kỳ học đầu năm, các bếp ăn tập thể hoạt động nhiều, rất có thể giá sẽ còn tăng cao 1 đợt nữa. Sau đó, giá sẽ giảm chậm dần đến cuối năm do nguồn cung tăng dần. Lúc đó, mức nhu cầu và giá lợn hơi sẽ định hình rõ rệt hơn vì không sợ thiếu nguồn cung từ chăn nuôi nông hộ, trang trại lẫn doanh nghiệp.

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, đàn lợn của tỉnh hiện đạt trên 2,2 triệu con, tăng hơn 5,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đàn lợn tăng nhanh là do thời gian qua, giá lợn hơi liên tục tăng cao nên các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi đầu tư tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất trở lại. 

Theo NGUYÊN VỸ/ DÂN VIỆT

Các tin khác