Ly kỳ chuyện ươm loài cá quý hiếm trong ao lót bạt

Làm sao để con cá chiên có thể sinh sản nhân tạo, tái tạo lại nguồn lợi quý hiếm này được Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Trung nghiên cứu và thực hiện Đề tài “Nghiên cứu phát dục và thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá chiên tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng”.

Ông Lê Văn Diệu, cán bộ của Trung tâm chia sẻ, con cá chiên đã được nhiều hộ dân phía Bắc nuôi dưỡng trên các sông lớn nhưng con giống cũng chủ yếu là khai thác từ tự nhiên. Vì vậy, nghiên cứu để sản xuất được con giống trong điều kiện nuôi nhốt cần rất nhiều thời gian và công sức của anh em cán bộ kỹ thuật ngành thủy sản.

Lâm Đồng cũng đã từng là nơi cư trú trong tự nhiên của con cá chiên nhưng hiện tại gần như hết sạch. Cũng có một vài doanh nghiệp nuôi thử nghiệm cá chiên thương phẩm đạt kết quả tốt cho thấy Lâm Đồng có điều kiện tự nhiên phù hợp với loài cá quý hiếm này.


Kiểm tra cá chiên bố mẹ nuôi trong ao lót bạt.

Việc đầu tiên là phải thuần hóa cá chiên bố mẹ, vốn quen với việc sống trên mặt đáy của những dòng sông lớn và rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường xung quanh. Đàn cá chiên 55 con, đều là cá bố mẹ cỡ lớn, từ 1,5-2 kg/con được thu từ nguồn cá khai thác tự nhiên ở lưu vực sông Srêpôk, tỉnh Đắk Lắk, xử lý cẩn thận rồi chuyển về nuôi thuần hóa trong ao đất tại địa bàn xã Quảng Hiệp (Đức Trọng).

Cá chiên là loài cá da trơn không có nhớt, cá ít hoạt động và nằm đáy, những tác động của việc bắt cá kiểm tra rất dễ gây sốc, cá giảm ăn và dễ bị chết, đặc biệt là cá đang trong giai đoạn thuần hóa nên đàn cá cũng chết một số cá thể. Mỗi con cá chết, cán bộ kỹ thuật lại lo lắng thêm một lần, sợ đàn cá khó sống trong điều kiện nuôi nhốt. Chăm sóc cẩn thận, đo từ độ pH của nước, độ trong của ao nuôi đến thức ăn cho cá, dần dần đàn cá cũng hồi phục và khỏe mạnh.

Phải nói, việc nuôi thuần hóa đàn cá chiên bố mẹ không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà phải tính làm nhiều năm. Từ năm 2014, đàn cá chiên bố mẹ đã bắt đầu được nuôi thuần hóa. Suốt gần 3 năm, các kỹ sư của Trung tâm đã chăm sóc cẩn thận đàn cá chiên, nhất là trong thời gian nuôi với đàn cá bố mẹ.

Cá được chuyển từ ao đất sang ao lót bạt, dòng nước vào và nước ra liên tục đảm bảo điều kiện gần giống tự nhiên nhất. Các kỹ thuật cho ăn, kích thích sinh sản đều được thử nghiệm từng chút, từng chút hết sức chu đáo. Vậy mà 2 năm đầu, dù chăm sóc tốt, cá cái mang trứng nhưng trứng đều hỏng, không nở được thành cá con.

Cho tới năm thứ 3, sau nhiều cố gắng và chờ đợi của người chăm sóc, bầy cá chiên cái mới cho một mẻ trứng thành công. Ông Diệu kể lại, kết quả thử nghiệm 2 phương pháp thụ tinh khô và thụ tinh ướt cho thấy phương pháp thụ tinh khô cho tỷ lệ thụ tinh khá cao, trong khi đó phương pháp thụ tinh ướt gần như không hiệu quả.

Nguyên nhân phương pháp thụ tinh ướt có tỷ lệ thụ tinh thấp có thể do trứng cá chiên là dạng trứng trôi nổi, nên khi gặp nước trứng sẽ tạo màng trương và cản trở sự xâm nhập của tinh trùng vào trứng.

Trứng cá chiên được ấp bằng phương pháp ấp bình Weis, tốc độ dòng chảy được điều chỉnh ở mức đảm bảo trứng được đảo đều nhưng không làm vỡ trứng hoặc trứng bị tràn khỏi bể. Sau khi ấp từ 29-32 giờ, trứng nở thành cá bột. Cá bột được ương nuôi trong bể composite trong nhà, có mái che nên nhiệt độ tương đối ổn định và ở mức thấp.

Sau 60 ngày ương nuôi từ cá bột, số cá chiên giống thu được là 3.020 con với kích cỡ trung bình đạt 4,66 cm/con về chiều dài và 0,69 g/con về khối lượng. Kết quả này đã đánh dấu việc nhân giống thành công con cá chiên, loài cá quý có giá thị trường rất cao, đồng thời giúp con cá chiên bớt thêm nguy cơ tuyệt chủng trên chính quê hương của chúng. Và hàng ngàn con cá chiên giống đang được nuôi dưỡng thành đàn cá bố mẹ, tiếp tục cho ra đời những lứa cá chiên con cung cấp cho thị trường một sản phẩm có giá trị cao.

Theo Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng) 

Các tin khác