Chuyện bà Vừng làm giống cây ăn quả

Là phụ nữ nhưng bà Đỗ Thị Vừng ở thôn Mãn Hòa, Tân Châu, Khoái Châu (Hưng Yên) lại có duyên với nghề nhân giống cây ăn quả và “phất lên” từ nghề này.

Hiện đã bước sang tuổi 67, sức khỏe không còn được dồi dào như trước, nhưng bà Vừng vẫn gắn bó với nghề nhân giống cây ăn quả các loại, và tạo việc làm ổn định cho 30 lao động tại chỗ với ngày công bình quân 200 nghìn đồng/người/ngày.

Từng là cô giáo nuôi dạy trẻ, nhưng vì biến cố nợ nần, bà đã quyết định bỏ nghề để lên Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện) làm thuê bất cứ việc gì, miễn là có tiền, nhưng chủ yếu là xới đất, lật cỏ và phun thuốc bảo vệ cây trồng.

Thông cảm với hoàn cảnh của bà, các Lãnh đạo Viện đã cho mượn đất, sớm tối gieo ươm thêm cây giống, tăng thu nhập. Nhờ vậy chỉ sau 3 năm, bà Vừng đã trả hết nợ ở quê. Còn học được nghề chiết, ghép nhân giống cây ăn quả các loại.

Phát huy kiến thức học hỏi được từ Viện, bà Vừng trở về làng (năm 1993), chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác ngô, lạc hiệu quả sản xuất thấp sang gieo giống cây ăn quả.

Ban đầu, bà còn tự làm lấy từ A đến Z (gieo hạt, ươm cây, ghép giống và mang cây giống đi bán). Sau có tiền dư giả, có nhiều mối hàng tiêu thụ cây, bà đã thuê thêm đất canh tác của một số hộ trong làng, thuê mượn thêm lao động, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa chủng loại cây ăn quả giống.

Kết quả gần 30 năm sản xuất và kinh doanh cây ăn quả giống, bà Vừng đã tích tụ được 4,3 ha đất canh tác. Trong đó có 2,5 ha ruộng ở quê dành cho nhân giống cây ăn quả các loại, 2 ha đầm ở tỉnh Quảng Ninh dùng để nuôi tôm và trồng cây lâm nghiệp qúy hiếm.

Đi thăm khắp các vườn sản xuất cây giống của bà Vừng, chúng tôi thấy có đủ loại cây ăn quả giống ôn đới, nhiệt đới, á nhiệt đới, cây lâm nghiệp và hoa cây cảnh các loại như lê, mít, táo, xoài, bơ, vú sữa, hồng xiêm, na, nhãn, ổi, cam, bưởi, hoa mẫu đơn, hoa mộc và sưa đỏ… từ 6 tháng đến 3 năm tuổi, ai cần loại cây gì bà có cây đó.

Bà tâm sự: Sản xuất cây giống không bao giờ thua lỗ, chỉ có lãi ít hay lãi nhiều thôi. Để có được lãi cao phải sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt là phải giữ mối liên hệ hợp tác thường xuyên với các viện nghiên cứu về cây ăn quả để được cập nhật kịp thời các giống cây trồng mới, bổ sung vào cơ cấu sản xuất giống của nhà vườn.

Người làm nghề sản xuất giống cây ăn quả không chạy theo hướng sản xuất cây giống đang “sốt” – cây đang được giá, vì một giống cây nào đó cứ năm trước được giá thường thì năm sau sẽ xuống giá. Phải biết quản lý lao động. Kiên trì, chịu khó "tích tiểu thành đại", luôn khiêm tốn học hỏi bí quyết, kinh nghiệm từ các nhà vườn khác.

Học theo cách làm của bà Vừng, 4/5 người con của bà đều có cuộc sống sang chảnh nhờ nghề nhân giống cây ăn quả. Nhiều người từng làm công cho bà Vừng trước đây, nay cũng thành tỷ phú trong “giới” cây ăn quả gống. Làng Mãn Hòa chuyên trồng đay, ngô khi xưa, giờ trở thành vựa cây giống các loại.

Nhờ những việc làm nói trên, mới đây bà Vừng đã được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen. Trước đó bà cũng được các tổ chức đoàn thể, chính quyền tỉnh và huyện tặng nhiều bằng khen và giấy khen.

Theo NGUYỄN HẢI TIẾN/ NNVN

Các tin khác