Nuôi con đặc sản này dưới vườn cà na, hóa ra bán lại đắt tiền

Hỏa Tiến là xã vùng sâu của TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), thu nhập chính của bà con nông dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trồng cây khóm, cây ăn trái.

Để tận dụng được diện tích mặt nước trong vườn khóm và cây cà na thái anh Lê Thanh Sơn ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, TP Vị thanh đã tận dụng ao, mương quanh nhà để nuôi ốc bươu đen thương phẩm và ốc bươu đen giống.

Anh Thanh Sơn canh tác 1 ha đất trồng khóm xen cây cà na Thái trên bờ, dưới mương nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi).

Anh chỉ sử dụng hơn 2.000 m2 mặt nước để nuôi ốc bươu đen đã giúp gia đình có thu nhập trên 12 triệu đồng mỗi tháng từ bán ốc bươu đen thịt và ốc bươu giống.

Anh Sơn cho biết thêm trước đây ao chủ yếu là để chứa nước tưới cho cây trồng. Khoảng 2 năm trước đây tình cờ được một người bạn giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuất nuôi ốc bươu đen, nên anh bắt đầu nuôi.

Một hai vụ đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen nên việc thả nuôi gặp rất nhiều khó khăn, hao hụt nhiều. Tuy nhiên, do đam mê nên anh học hỏi thêm kỹ thuật nuôi ốc bươu đen trên báo đài và đến nay anh đã thành công mô hình nuôi ốc bươu đen tại vùng đất Hỏa Tiến.

Theo anh Sơn, nuôi ốc bươu đen rất nhàn, nhẹ công chăm sóc, không tốn chi phí thức ăn. Nguồn thức ăn của ốc bươu đen có sẵn tại vườn nhà như: Mít, khóm, mướp, lá khoai mì và đặc biệt là bèo cám…

Ốc bươu đen con khi mới nở thì đem thả trong vèo rồi nuôi dưỡng khoảng một đến hai tháng, sau đó thả ra ngoài ao cho chúng tự tìm thức ăn sinh sống khoảng ba đến bốn tháng là có thể xuất bán ốc thịt.

Vèo ốc bươu đen 2 tháng tuổi của anh Thanh Sơn tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ốc bươu đen là con đặc sản đang được thị trường ưa chuộng.

Với cách nuôi ốc bươu đen từ con nhỏ như vậy, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Hiện tại anh Thanh Sơn đang thả nuôi trên 50.000 còn ốc bươu đen lớn nhỏ đủ kích cỡ.

Trung bình mỗi tháng anh bán được 150 - 200 kg ốc bươu đen thịt với giá 50.000 đồng/kg và 10.000 – 15.000 con ốc bươu đen giống với giá 400 đồng/con, thu được trên 12 triệu/tháng.

Nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen đặc sản hiệu quả, nên bà con địa phương và các tỉnh lân cận tìm đến tham quan mô hình của anh Sơn và có nhu cầu nhân rộng.

Vậy là từ đó anh Sơn bắt đầu ấp trứng ốc bươu đen. Theo anh Sơn, ốc bươu đen đẻ quanh năm, nhiều nhất là vào mùa mưa.

Để tỷ lệ ốc con nở đạt cao hơn, anh thu trứng ốc bươu đen đẻ ngoài ao để vào thùng ấp và thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn.

Ốc bươu đen là con đặc sản đang thịnh hành trong các nhà hàng, quán ăn và dần trở thành món đặc sản.

Vì vậy, tận dụng diện tích mặt nước trong các mương vườn để nuôi ốc bươu đen đặc sản là hướng đi triển vọng vừa tăng thu nhập vừa nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất.

Theo NGUYỄN THỊ KIỀU HẠNH/ TTK N HẬU GIANG 

Các tin khác