Thả 6.000 con cá lóc trong vèo, sau gần 4 tháng nuôi bắt được hàng tấn, bán lãi 60 triệu đồng

Nuôi cá lóc trong vèo, nông dân Sóc Trăng thu lãi trung bình 10 triệu đồng/vèo

Theo bà con nuôi cá lóc trong vèo ở xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), đây là mô hình có chi phí đầu tư thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa lợi và điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình. Điểm nổi bật của mô hình là giải quyết tốt việc làm tại chỗ và là một trong những phương thức góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con ít đất canh tác.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân nuôi cá lóc trong vèo ở các ấp Tiếp Nhựt, Trà Đức… cho biết, để đầu tư một vèo với diện tích từ 5 - 10 m2, chi phí chỉ tốn vài triệu đồng. Mỗi gia đình tùy theo khả năng kinh tế có thể nuôi từ 2 vèo trở lên.

Với diện tích trên, người dân có thể thả nuôi từ 500 - 1.000 con, với mật độ trung bình thả nuôi khoảng 100 con/m2. Sau hơn 3 tháng, cá đạt trọng lượng từ 0,3kg trở lên và người nuôi có thể thu hoạch.

Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn là cá biển, cá tạp nên người nuôi cá lóc trong vèo thường đạt lợi nhuận cao. Với giá cá lóc thương phẩm hiện nay dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, người nuôi thu lãi gần 10 triệu đồng/vèo.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lóc trong vèo cho hiệu quả kinh tế cao của hộ chị Thạch Thị Pha Ly, ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An. Được biết, trước đây, cuộc sống gia đình chị Ly rất khó khăn vì không ruộng đất sản xuất. Được người thân giới thiệu, chị biết mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới hiệu quả cao, nên chị tham gia các lớp tập huấn khuyến ngư và tham khảo sách báo để nắm vững kỹ thuật nuôi.

Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Viên An ủy thác vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo 7 triệu đồng, chị bắt tay vào làm vèo, mỗi vèo có diện tích 10m2 và thả nuôi 6.000 con cá giống.

Nhờ chăm sóc tốt nên đàn cá lớn nhanh, sau gần 4 tháng nuôi, chị thu hoạch được 2,5 tấn cá, với giá bán 35.000 đồng/kg, thu nhập được trên 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chị còn lợi nhuận gần 60 triệu đồng.

Nhờ nuôi cá lóc vèo mà gia đình chị Thạch Thị Pha Ly có cuộc sống ổn định. Chị Ly bộc bạch: “Không có đất đai nên tôi tận dụng diện tích kênh trước nhà để nuôi cá lóc vèo. Trước đây, chủ yếu nuôi theo mùa nước nổi, nay tôi đã chuyển sang nuôi thâm canh. Mỗi năm tôi nuôi 2 đợt cá, mỗi đợt khoảng 6.000 con giống. Hàng ngày, chồng tôi đặt lú, cá bắt được phần đem bán, phần làm mồi cho cá lóc, nên chỉ sau 2 năm nuôi cá mà kinh tế gia đình tôi đã khá lên”.

Theo cán bộ nông nghiệp xã Viên An, mô hình nuôi cá lóc trong vèo có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng một số diện tích mặt nước trong ao, hồ hoặc mép kênh để làm vèo nuôi. Mặc dù cá nuôi trong vèo nhưng thức ăn cho cá từ nguồn cá biển và cá tạp tự nhiên nên thịt chắc và ngon. Địa phương cũng xem đây là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Chị Kim Thi Chanh Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Viên An thông tin, mô hình nuôi cá lóc trong vèo trên các tuyến sông nước ngọt đã tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp cuộc sống của nhiều gia đình từng bước thoát nghèo. Mô hình nuôi này không đòi hỏi vốn đầu tư cao nên nhiều hộ có thể áp dụng để phát triển kinh tế gia đình.

Theo  CHANH THA/ www.baosoctrang.org.vn

Các tin khác