Bắt cây na "đẻ" quả trái vụ, có cây cho nửa tạ quả, nông dân Lạng Sơn thu tiền tỷ

Bắt cây na "đẻ" quả trái vụ, nông dân Lạng Sơn thu tiền tỷ

Nhiều hộ trồng na ở đây cho biết, sử dụng phân bón Supe lân vi sinh Lâm Thao cho cây na từ khi ra hoa và cả trong quá trình nuôi quả chính là chìa khóa giúp cây na cho quả nhiều, quả to và đẹp mã.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hà Văn Hiền, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, vụ na năm 2022, toàn bộ diện tích gần 2ha của gia đình anh đều được chăm bón bằng phân Supe lân vi sinh Lâm Thao. Theo đó, từ trước khi cây na ra hoa, anh bón phân 1 lần, trong quá trình nuôi quả anh tiếp tục bón phân cho cây khoảng 2 lần, qua đó giúp cây na phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh, nhất là các loài bọ xít, rệp...

Khi thu hoạch, na cho quả to đều, trung bình 3 quả na đạt 1kg, ước tính mỗi cây cho từ 50-60 kg, cao hơn những năm trước (30-40 kg/cây). "Cầm quả na thấy chắc tay hơn hẳn", anh Hiền phấn khởi nói.

Chị Hoàng Thúy Nhiệm, vợ anh Hiền cho biết thêm, sau khi tham gia một số lớp tập huấn về kỹ thuật trồng na do địa phương tổ chức, chị được biết lân vi sinh có tác dụng kích thích cây trồng phát triển rễ. Đất đai ở xã Y Tịch lại xen lẫn nhiều đá, toàn là đồi núi dốc, vì thế cây na rất cần bộ rễ khỏe để bám đất, bám đá, đơm hoa kết trái. Chị đã tìm hiểu và lựa chọn Supe lân vi sinh Lâm Thao bón cho vườn na.

"Sau 1 vụ tôi thấy cây na phát triển khỏe hơn, sai quả và to đều, quả nhiều ruột. Vụ này mỗi cây cho năng suất khoảng 30 kg, nhiều hơn vụ trước mà lại còn được giá nữa” - chị Nhiệm vui vẻ nói.

Trước đây, nông dân các xã ở Chi Lăng ít đầu tư chăm sóc cho cây na, thường phó mặc cho trời, canh tác không phân bón, được đến đâu hay đến đó thì bây giờ, loại cây trồng tiền tỷ này đã được nâng niu, chăm sóc rất bài bản, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để đạt năng suất chất lượng cao nhất.

Vụ na năm 2022 này, ông Đỗ Khắc Thu, khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ đã tiến hành một số kỹ thuật cắt tỉa để sản xuất na trái vụ. Ông Thu cho biết: Nhà tôi sản xuất na trái vụ bằng phương pháp cắt tỉa cành, để cây ra lộc ra hoa trái vụ, rồi thụ phấn nhân tạo với số lượng khoảng 300 cây. Thời điểm này, cây đã bắt đầu cho thu hoạch quả trái vụ, gia đình tôi vẫn thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại và bón phân cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây phát triển.

"Trước đó, từ giữa tháng 8, chúng tôi đã bọc quả để phòng trừ sâu bệnh hại quả. Sản xuất na trái vụ đem lại hiệu quả cao hơn so với na chính vụ nên 5 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng áp dụng kỹ thuật để "bắt" na đẻ quả trái vụ" - ông Thu chia sẻ.

Bà con trồng na Chi Lăng cho biết, sản xuất na trái vụ là biện pháp chủ động, xử lý, điều chỉnh cây na ra quả lệch vụ muộn hơn thời điểm thu hoạch na chính vụ, nhằm tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn với sản lượng lớn, bán được giá hơn.

Hiện toàn huyện Chi Lăng có khoảng 2.400ha cây na, trong đó khooảng 1.800ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 20.000 tấn quả.

Trong những năm qua, xuất phát từ thực tế giá na chính vụ thường bấp bênh, đầu ra không ổn định nên bà con nông dân đã tìm hiểu biện pháp kỹ thuật cho na ra quả nghịch vụ. Theo đó, ngoài vụ na chính thu hoạch rộ vào tháng 8, tháng 9 hằng năm, thì từ tháng 6 hàng năm, bà con sẽ thực hiện cắt tỉa cành để cây na đâm chồi mới, ra hoa.

Sau khoảng 1 tháng, người dân sẽ tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Khi cây đậu quả, bà con tiến hành cắt bỏ những quả xấu, quả méo, những cây, cành quá sai quả cũng tỉa bớt để sau này trung bình mỗi cây cho ra từ 3 đến 10 kg quả to, đều và tập trung chăm sóc cây. Khi quả có đường kính 2-3 cm, bà con sẽ dùng túi nilon để bọc quả nhằm hạn chế sâu bệnh, nâng cao chất lượng quả.

Vụ na này, bà con sẽ thu hoạch vào thời điểm cuối năm nên bán rất được giá, dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.

Chị Lô Thùy Linh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết: Na Chi Lăng là loại cây ăn quả nằm trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Tại đây, na được trồng dọc theo những sườn đồi và thung lũng, dưới chân các dãy núi đá vôi. Hầu như chỗ nào đất trống, cũng thấy cây na mọc lên.

Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi để cây na phát triển, song do quá trình canh tác lâu năm nên chất lượng đất trồng đang ngày càng suy giảm. Đất nghèo dinh dưỡng, đất bạc màu, thiếu mùn,… Trong khi ở vùng này, các dải đất và đá xen kẽ, đá nổi nhiều, độ dốc lớn nên hiện tượng rửa trôi diễn ra rất khốc liệt.

Đó là vô số các vấn đề mà người trồng na Chi Lăng đang phải đối mặt. Bởi thế, khi được giới thiệu về sản phẩm phân bón mới Supe lân vi sinh của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, người trồng na Chi Lăng đã hào hứng áp dụng. Sau một vụ sử dụng cho thấy, loại phân bón này không chỉ phù hợp với đồng đất địa phương mà còn giúp cây na cho sản lượng tốt.

Thông tin thêm về loại phân bón mới Supe lân vi sinh Lâm Thao, ông Phạm Đức Thành - Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, đây là sản phẩm phân vô cơ bổ sung các vi sinh vật hữu ích, giúp cải tạo, bổ sung, tăng cường hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp các sinh vật và vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, phù hợp cải tạo đất bạc màu, tăng độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất.

Nhờ đó, cây na dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng để phát triển, tăng khả năng chịu hạn, chịu rét, chống chịu sâu bệnh, giúp cây khỏe, tăng tỷ lệ đậu quả, tăng khả năng nuôi quả, từ đó tăng sản lượng và chất lượng quả.

Ông Linh Đức Tiến, Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chi Lăng cho biết: Trong giai đoạn 2017 – 2021, Phòng đã thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na tại huyện Chi Lăng" với diện tích 3ha tại xã Chi Lăng và kết quả đem lại tốt. Sau đó, Phòng tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất na trái vụ cho bà con, và đến nay toàn huyện đã có khoảng 500ha na có thể sản xuất trái vụ.

"Chúng tôi thường xuyên phối hợp với UBND các xã tuyên truyền các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất na trái vụ ở những địa bàn phù hợp; hướng dẫn bà con thực hiện sản xuất na theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây để kịp thời có biện pháp kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả" - ông Tiến nói.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Lạng Sơn, bà con trồng na cần theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu khi canh tác na trái vụ. Đồng thời, cung cấp các loại phân bón cần thiết cho cây khi sản xuất na trái vụ, tránh làm cây suy kiệt. Ngoài ra, bà con cần chủ động thăm vườn, theo dõi diễn biến sâu bệnh hại trên cây na, thông báo tới cán bộ kỹ thuật tại các xã để có phương án phòng trừ thích hợp...

Đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP bốn sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.

Theo THIÊN HƯƠNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác