Nuôi con vật chỉ biết 'ăn cỏ, uống nước lã' cho thu nhập cao

Sống khỏe nhờ nuôi dê

Thạch Thành là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề chăn nuôi dê. Chị Nguyễn Thị Trang (khu phố 1, thị trấn Vân Du, Thạch Thành) bắt đầu nuôi dê sinh sản và dê thịt từ 10 năm nay. Hiện tại, trang trại của gia đình chị Trang duy trì từ 80 con dê sinh sản và dê thịt.

Chị Trang cho biết, mặc dù nuôi dê sinh sản cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng và điều trị bệnh, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông và công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi được ngành thú y - chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa quan tâm nên đàn dê của gia đình chị đã sinh trưởng và phát triển tốt. Trung bình một con dê cái có thể sinh sản 1,5 lứa/năm, mỗi lần sinh từ 1 đến 3 con, sau 4 tháng nuôi, dê con đạt 20-25 kg là có thể xuất bán. Mỗi năm, thu nhập từ tiền bán dê của gia đình chị Trang đạt 200-220 triệu đồng, sau khi đã trừ các chi phí.

“Nuôi dê không vất vả, nhưng lại cho thu nhập cao hơn so với các ngành nghề khác tại nông thôn. Đối với dê nuôi lấy thịt, giá dao động khoảng từ 150 -170 nghìn đồng/kg; dê giống khoảng 160 nghìn đồng/kg. Giá dê khá cao so với các vật nuôi khác và ít gặp rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê sinh sản có vốn đầu tư ít, nguồn thức ăn cũng sẵn có trong các hộ như cỏ, lá rừng, phụ phẩm nông nghiệp…, nên người nông dân chỉ mất chi phí đầu tư giống ban đầu, còn lại không phải tốn quá nhiều công chăm sóc”, chị Trang cho hay.

Mô hình nuôi dê của gia đình chị Trang mang lại hiệu quả, thu nhập khá cao. Ảnh: Quốc Toản.
Mô hình nuôi dê của gia đình chị Trang mang lại hiệu quả, thu nhập khá cao. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Trang lưu ý: “Dê thường bị bệnh tụ huyết trùng, viêm ruột hoại tử, chướng hơi dạ cỏ. Những bệnh này nếu không phát hiện nhanh sẽ làm dê sẽ chết rất nhanh. Do đó, người nuôi cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng việc phun thuốc khử trùng hoặc dùng vôi bột để làm sạch, tránh để tồn phân và nước tiểu của dê lâu ngày trong chuồng nuôi.

Không chỉ riêng gia đình chị Trang, nghề nuôi dê, nhiều hộ gia đình đã giúp nhiều bà con có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Cách đây vài năm, anh Nguyễn Văn Chung (thị trấn Vân Du, Thạch Thành) quyết định bán trâu để đầu tư nuôi dê để lấy tiền để nuôi con ăn học. Ban đầu, anh Chung, mua 30 con dê sinh sản và dê thịt và tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lên 60 con dê tính đến thời điểm hiện tại. Theo kinh nghiệm của anh Chung, việc nuôi dê cho thu nhập cao hơn và ít gặp rủi ro hơn so với nuôi các loại gia súc khác.

"Thị trường tiêu thụ dê hiện nay khá lớn và hầu như chưa bao giờ thịt dê bị ế hàng. Có thời điểm giá dê thịt lên tới hơn 200 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu nhập hằng năm của gia đình tôi cũng đạt từ 130-150 triệu đồng/năm”, anh Chung cho hay.

Người nuôi dê cần chính sách hỗ trợ

Huyện Thạch Thành hiện tại có khoảng 5.000 con dê với hàng trăm hộ nuôi tham gia các mô hình sản xuất này. Nuôi dê đang trở thành “cần câu cơm” giúp nhiều bà con có thu nhập bền vững.

Theo đánh giá của cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa, nuôi dê sinh sản, dê thịt tại huyện Thạch Thành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt các mô hình này đã khai thác được lợi thế, tiềm năng tại một số xã thuộc vùng miền núi của huyện đồng thời mở ra hướng sản xuất chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với chăn nuôi nông hộ của địa phương, vừa nâng cao giá trị sản xuất vừa góp phần thay đổi dần tập quán canh tác của người dân; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con các xã miền núi.

Tuy nhiên, việc nuôi dê chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nhà nước chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các hộ dân mở rộng mô hình chăn nuôi này.

Nghề nuôi dê đang phát triển mạnh tại huyện Thạch Thành. Ảnh: Quốc Toản.
Nghề nuôi dê đang phát triển mạnh tại huyện Thạch Thành. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Sỹ Thành, Trưởng phòng Khuyến nông - Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc hướng đến sản xuất hàng hóa và tiếp cận khoa học kỹ thuật trong việc nuôi dê của bà con còn rất nhiều khó khăn. Quy mô chăn nuôi của các hộ còn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn thả tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Việc nuôi dê của người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, gần như chưa được qua trường lớp đào tạo bài bản, dẫn đến việc dê chưa được chăm sóc, phòng bệnh, chữa bệnh đúng cách dẫn đến hao hụt đàn cao".

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc phát triển chăn nuôi dê trên địa bàn huyện Thạch Thành còn gặp khó khăn do quỹ đất chăn thả bị thu hẹp dần. Mặt khác, việc nuôi dê cần đến lao động chính trực tiếp, trong khi lao động địa phương có xu hướng chuyển sang các công ty, doanh nghiệp để làm công ăn lương. Tình trạng thiếu lao động để phát triển các mô hình nuôi dê là bài toán cần được địa phương tính đến, nhằm phát triển ổn định, bền vững ngành nghề tiềm năng này.

Theo TRẦN QUỐC TOẢN - TÂM PHÙNG/ NNVN 

Các tin khác