Nuôi dê đầy chuồng bằng lá mít, trái mít xơ đen, nông dân Hậu Giang chả phải lo thức ăn chăn nuôi tăng giá

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng bằng lá mít, trái mít bị xơ đen của anh Ân ở Hậu Giang còn giải quyết bài toán phụ phẩm nông nghiệp đang làm đau đầu nhiều nông dân hiện nay.

Tiết kiệm chi phí nhờ lá mít, trái mít xơ đen

Mặc dù nuôi hơn 200 con dê nhưng thay vì dự trữ nhiều cỏ như những hộ khác thì gia đình anh Phan Hoàng Ân, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, lại dành không gian quanh chuồng dự trữ rất nhiều mít. Hỏi ra mới biết, đây chính là nguồn thức ăn anh để dành cho đàn dê của mình.

Bắt đầu bén duyên loài vật nuôi này với 10 con dê giống, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%. Đất lành, vật nuôi hạp, đàn dê cứ thế sinh sôi và phát triển như ngày hôm nay. Việc cho dê ăn lá mít, mít xơ đen cùng với cỏ đến với anh cũng thật tự nhiên, bắt đầu từ thế mạnh của địa phương.

“Vùng Châu Thành trồng nhiều mít, mỗi lần thu hoạch bán, tôi thấy mít dạt, mít xơ đen bỏ đi thì rất uổng, nếu xử lý không đúng thì ô nhiễm môi trường. Thay vì bán rẻ 1.000 đồng/kg thì tôi để lại cho dê ăn. Thấy dê ưa mít nên tôi bắt đầu nuôi đến giờ cũng được hơn 2 năm rồi”, anh Phan Hoàng Ân chia sẻ.

Hiện tại, chuồng của anh Ân nuôi 2 loại là dê Boer và Boer lai, giá bán dê thịt cho thương lái đang ở mức cao. Boer lai từ 160.000-170.000 đồng/kg. Còn giống dê Boer khoảng 200.000-220.000 đồng/kg. Ngoài bán dê thịt, anh Ân còn cung cấp dê giống cho những hộ nuôi có nhu cầu. Tới đây, anh Ân và gia đình dự tính sẽ mở rộng chuồng trại và quy mô để phát triển kinh tế.

Anh Ân bộc bạch: “Bình quân bình nuôi từ nhỏ tới lớn thì khoảng 6-6,5 tháng là bán được. Tiền lời khoảng 1,5 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí. Nuôi thức ăn là không có lời, do chi phí quá cao. Cho dê ăn mít nên nhẹ công, chỉ hai vợ chồng nuôi cũng được, chủ yếu lấy công làm lời”.

Nuôi dê đầy chuồng bằng lá mít, trái mít xơ đen, nông dân Hậu Giang chả phải lo thức ăn chăn nuôi tăng giá - Ảnh 2.
Mô hình nuôi dê từ phụ phẩm mít của anh Phan Hoàng Ân mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang).

Mô hình chăn nuôi dê cho ăn lá mít và phụ phẩm trái mít của anh Ân bước đầu đã mang lại hiệu quả. Điều đáng nói, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư và nuôi thành công giống dê với quy mô lớn. Theo anh Ân, chi phí đầu tư nuôi dê theo mô hình này tương đương các hộ khác, tuy nhiên lợi nhuận thì cao hơn. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, đàn dê sử dụng thức ăn tự nhiên tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

Hướng phát triển mới

Theo các nhà khoa học, dê là vật nuôi có khả năng kháng bệnh tật tốt, có thể ăn các loại cây, cỏ, lá, hay các phụ phẩm nông nghiệp. Thịt dê và sữa dê đang là xu hướng của người tiêu dùng hiện nay. Tại ĐBSCL, dê được nuôi nhiều ở các địa phương, trong đó có Hậu Giang. Đây là một lợi thế rất lớn cho nông dân của tỉnh khi chọn vật nuôi này.

Mặt khác, cây mít đã có mặt ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.

Tổng diện tích trồng mít của cả tỉnh hiện nay khoảng 9.000ha nên anh Ân hay các hộ chăn nuôi trong vùng không lo thiếu mít cho dê ăn. Nguồn thức ăn sạch, dê lớn nhanh, phát triển tốt, chất lượng thịt cũng được đảm bảo.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết mô hình nuôi dê từ phụ phẩm cây mít được nông dân áp dụng từ năm 2011. Mô hình này có nhiều ưu điểm vì trong bối cảnh hiện nay, phải làm sao phát triển theo hướng tích hợp, đa giá trị, mô hình nuôi phải kết hợp kinh tế tuần hoàn. Trồng mít bán loại 1 giá cao, còn lại bán rẻ hoặc dùng để nuôi dê sẽ tiết kiệm chi phí thức ăn.

“Chúng tôi hỗ trợ chi phí mua dê giống 50%, còn lại người dân đối ứng, ưu tiên đối tượng cho hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất. Sẽ hỗ trợ một phần thức ăn bổ sung, còn lại bà con tận dụng thức ăn từ mít. Một số hộ đăng ký làm kinh tế tuần hoàn, cũng đăng ký vật nuôi là con dê.

Năm nay, chúng tôi đã mở rộng ra thị trấn Ngã Sáu, các xã còn lại trong huyện Châu Thành và cả các huyện khác. Sắp tới sẽ tiếp tục duy trì để người dân trong tỉnh phát triển kinh tế”, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho hay.

Trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu, việc nuôi con gì, trồng cây gì đang được nông dân ở ĐBSCL quan tâm, trong đó dê là một trong những sự lựa chọn hàng đầu. Áp dụng nuôi dê theo hướng tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm từ mít cho dê ăn, nuôi lớn bán con giống và dê thịt, còn phân dê ủ lại để bón cho cây mít phát triển vừa có trái bán vừa có phụ phẩm cho dê ăn.

Mô hình nuôi dê cho ăn phụ phẩm từ mít cũng cho thấy người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung cho tỉnh nhà.

Theo MỘNG TOÀN/ BÁO HẬU GIANG 

Các tin khác