Phát triển cá lồng bền vững

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Thọ vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề “Phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông và hồ chứa các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Diễn đàn thu hút được sự tham gia đông đảo của người nuôi cá lồng bè từ các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang...

Theo TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nghề nuôi cá lồng bè ở nước ta đã phát triển rộng khắp, thu hút hàng vạn lao động với tất cả các nghề đi kèm như SX con giống, thức ăn, làm lồng bè, thu mua cá. Công nghệ làm lồng nuôi cá theo cách truyền thống, dựa trên vật liệu có sẵn tại địa phương, chi phí thấp. Nhưng cũng có nhiều loại lồng được cải tiến hiện đại, vật liệu bền hơn, kích thước thay đổi.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm KNQG chia sẻ: "Có chuyên gia thủy sản khẳng định, nếu tận dụng mặt nước sông, các hồ chứa thì đã đủ sản lượng thủy sản để nuôi sống 90 triệu dân Việt Nam. Đồng thời, một chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam đang bỏ quên diện tích hồ chứa quá lâu. Chính địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều hệ thống sông lớn chảy qua là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng".

TS Phan Huy Thông khẳng định, có 3 yếu tố quyết định tới sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá lồng. Thứ nhất là phải bền vững về kinh tế. Làm sao thu nhập của người nuôi phải ổn định, đời sống nâng cao từ đó nghề nuôi mới phát triển.

Thứ hai là khía cạnh xã hội, phải tăng cường mối liên kết giữa những người nuôi. Khi có HTX, chi phí SX sẽ giảm xuống, đầu ra cũng ổn định hơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn.
Cuối cùng là phải đảm bảo được nguồn nước, môi trường sinh thái. Nguồn nước không chỉ ảnh hưởng tới vật nuôi, nó còn tác động trực tiếp tới đời sống của chính người nuôi và những vùng lân cận.

Miền Bắc hiện có khoảng 200.000 ha mặt nước có thể phát triển nuôi cá lồng bè. Trong đó, diện tích có thể đặt được lồng là 20.000 ha (10%). Tuy nhiên, chúng ta mới khai thác được một phần rất nhỏ so với tiềm năng diện tích mắt nước.

Tính đến hết năm 2013, tổng diện tích nuôi lồng bè ở miền Bắc đạt 24 ha với 6.000 lồng. Như vậy, tiềm năng phát triển diện tích nuôi cá lồng còn rất lớn. Đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là cá truyền thống như cá trắm cỏ, chép, rô phi và một số loại có giá trị kinh tế như cá tầm, cá lăng, diêu hồng…

“Dù vậy, năng suất cá vẫn còn thấp, quy mô nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Người dân phần lớn chưa được hướng dẫn, tham quan học tập, tư vấn kỹ thuật thiết kế lồng nuôi mới", ông Tiêu đánh giá.

Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015, Trung tâm KNQG triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa” tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai… Theo đó, trung tâm hướng dẫn và chuyển giao TBKT giúp người dân có thể tự SX, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Thủy Trọng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Thọ cho biết, toàn tỉnh có 254 lồng cá quy mô lớn, năng suất cá trung bình đạt trên 7 tấn/ha. Đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là những loài truyền thống, cộng thêm một số giống có giá trị kinh tế như cá lăng, rô phi, diêu hồng… Tuy nhiên, việc SX của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Năng suất, chất lượng nuôi đạt thấp, chưa chủ động được con giống khi vào vụ, đặc biệt là bấp bênh về đầu ra cho sản phẩm.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ chức SX theo quy hoạch, kế hoạch theo khung thời vụ, có cơ cấu giống rõ ràng. Đưa các giống mới, thủy đặc sản vào nuôi trồng. Tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho cá, đảm bảo VSATTP. Khuyến khích các loại hình kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác, khu nuôi thủy sản tập trung…”, ông Trọng nhấn mạnh.


Chăm sóc cá lồng ở xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Cũng tại diễn đàn, người dân gửi đến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng chục câu hỏi, chủ yếu về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh dịch trên cá.

Ông Nguyễn Kim Trang, xã Bảo Yên (Thanh Thủy, Phú Thọ) hỏi: "Cá trắm cỏ trên thân có đốm đen, tôi dùng túi vôi treo cạnh lồng, điều trị kháng sinh tỏi nhưng sao chúng vẫn chết? Ông Kim Văn Vạn, Trưởng bộ môn Môi trường & bệnh thủy sản (Học viện Nông nghiệp VN) trả lời, tỏi là kháng sinh thực vật có tác dụng không nhanh và kém hiệu quả. Muốn trị bệnh tận gốc phải dùng các thuốc kháng sinh. Dùng thuốc kháng sinh phun quanh lồng lưới hoặc trộn vào cỏ hoặc cám viên, liều lượng 1 gr/20 - 25 kg cá/ngày. Cho cá ăn 5 ngày liên tục sẽ khỏi.

Ông Nguyễn Văn Minh (Hạ Hòa, Phú Thọ) hỏi: "Phải làm lồng trên hồ chứa sao cho tiết kiệm?". “Nên thiết kế theo hình vuông, tùy theo điều kiện của gia đình. Khung tre 500.000 đ/m2, khung gỗ 700.000 đ/m2, thép 1 triệu đ/m2. Phao thì làm bằng các thùng nhựa. Chú ý, nếu làm bằng thép phải sơn những vết hàn, tránh han gỉ”, ông Kim Văn Tiêu giải đáp.

Một nông dân khác hỏi: "Cá chết bên ngoài lồng nuôi có liên quan cá trong lồng hay không? Cách trị bệnh cho cá lăng?". Ông Kim Văn Vạn trả lời: “Có bị ảnh hưởng, cần chọn địa điểm đặt lồng thích hợp. Nên trộn thức ăn với vitamin để nâng cao sức đề kháng cho cá. Về xử lý cá lăng lồi mắt: Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nồng độ PH trong nước. Cần kiểm tra độ PH trong nước.

Nếu cá bị xuất huyết, đốm trắng thì dùng kháng sinh đặc trị trong 5 ngày. Cá lăng bị lở loét, da lột từng mảng nên sử dụng thuốc điều trị kí sinh trùng, dùng 5 ngày liên tục sẽ khỏi. Nếu nhẹ có thể dùng kháng sinh. Nếu cá bị rận, trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn từ 3 - 5 ngày”.

Theo NNVN
 

Các tin khác