Tăng hiệu quả bón phân cho đất phèn trồng lúa

Cuối vụ thời tiết bắt đầu vào mùa khô nắng ráo trùng với giai đoạn lúa trổ, chín, thu hoạch nên lúa vụ thu đông nhiều nơi cho năng suất cao, chất lượng hạt tốt.

Về mặt thị trường cũng nhận thấy lúa thu đông thường có giá cao hơn các vụ khác trong năm.

Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, tùy điều kiện có thể cày vùi rạ kết hợp sử dụng chế phẩm Trichoderma spp. phân hủy rơm, rạ.

Cày ải phơi đất trước khi gieo sạ càng sớm càng tốt, ít nhất 15 ngày. Mặt ruộng phải được san bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước và dọn sạch cỏ dại trước khi sạ.


Áp dụng phân bón dạng viên nén dúi sâu vào gốc lúa sẽ tăng hiệu quả bón phân, năng suất lúa có thể tăng 15% so với bón thông thường.

Chuẩn bị phân bón: Có thể sử dụng phân đơn hoặc hỗn hợp. Trong trường hợp sử dụng phân đơn thì gồm lân, u rê và kali.

Có thể thay đổi loại phân hỗn hợp khác như 20-20-15, 16-16-8, DAP... để bón cho lúa, nhưng phải đảm bảo tương đương lượng phân nguyên chất.

Bón lót trước khi gieo sạ: Vùng đất phèn nên bón lót phân lân (16% P2O5) từ 200 - 400 kg/ha tùy độ phèn của đất, giúp hạ phèn ngay từ đầu vụ và rễ lúa phát triển tốt.

Bón thúc lần 1 khoảng 7 - 10 ngày sau sạ (NSS), lượng phân trung bình bón cho đất ít phèn thường khoảng 25 - 30kg urê + 50 - 55kg DAP + 25 - 30kg KCl.

Đồng thời lưu ý lúc này bù lạch thường gây hại, trước khi bón phân nên đưa nước vào ngập ruộng 2 - 3cm. Bón thúc lần 2 lúc 18 - 22 NSS với 50 - 55kg urê + 55 - 60kg DAP.

Bón thúc lần 3 lúc 40 – 45 NSS với 25 - 30kg urê + 30 - 50kg KCl. Sau bón phân giữ nước đến lúa chín sáp (60 -70NSS) để tránh cho lúa khỏi bị lép hạt.

Chú ý phòng bệnh giai đoạn này như bệnh đạo ôn, vàng lá, đốm vằn, lem lép hạt, sâu cuốn lá, rầy nâu.

Để nâng cao hiệu quả bón phân đối với đất lúa độc canh 3 vụ, hoặc giống lúa dài ngày có thể áp dụng mức phân cao hơn và tăng cường bón phân hữu cơ cải tạo đất.

Bón theo nhu cầu của cây vào các thời điểm sinh trưởng (mạ, đẻ nhánh, làm đòng), bón đúng liều lượng, không bón thừa phân, nhất là thừa phân đạm. Sử dụng bảng so màu lá để kiểm soát việc dư thừa đạm ở 2 đợt bón cuối.

Không nên phun phân bón qua lá có chứa kim loại nặng và nitrate để đảm bảo dư lượng kim loại nặng và nitrate không vượt mức quy định.

TS. Nguyễn Công Thành

 

Các tin khác