Bảo tồn lan gấm

“SAY” LAN GẤM

Căn nhà gỗ của vợ chồng ông Lê Minh Hoàng và bà Lê Thị Sang ở thôn 5, xã Đắk Som (Đắk Glong - Đăk Nông) vài năm nay bỗng trở thành "phòng thí nghiệm" bất đắc dĩ của gia đình. Từ nhà ra ngõ treo đầy dụng cụ thí nghiệm, các chai lọ nuôi cấy lan gấm với những dòng chú thích đầy tính khoa học.

Chia sẻ về công việc nhân giống lan gấm, ông Hoàng cho biết: “Cách đây gần 20 năm, gia đình tôi thấy một số người dân đi lùng lan gấm ở trong rừng để bán cho thương lái với giá 20.000 đồng/kg (lan tươi). Thấy vậy tôi cũng đứng ra làm đại lý, tổ chức thu mua để bán lại cho thương lái kiếm lời.

Sau một thời gian dò hỏi tôi mới biết được đây là một loại cây thảo được quý hiếm, có nhiều công dụng, chức năng chữa bệnh rất tốt trong y học, người ta mua về để làm thuốc chữa bệnh nên gia đình tôi cũng an tâm đứng ra làm trung gian thu mua”.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá thu mua lan gấm được đẩy lên đến 1,5 triệu đồng/kg dẫn đến người dân đổ xô vào rừng săn tìm, khai thác một cách ồ ạt nên lan gấm trở nên khan hiếm. Hai năm nay, hầu như chẳng còn ai săn được lan gấm trong tự nhiên để bán lại cho gia đình ông Hoàng.


Mô hình trồng Lan gấm của gia đình ông Hoàng

Lúc mới trồng thử nghiệm lan gấm, vợ chồng ông cứ loay hoay mãi mà không biết cách nào để giữ cho cây phát triển như trong tự nhiên. Các cây con được chiết ra, không còi cọc thì cũng héo thân rồi chết dẫn đến thiệt hại kinh tế không hề nhỏ.

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại đầu tiên, hai vợ chồng quyết định dừng việc nhân giống để tập trung nghiên cứu đưa cây con thử nghiệm trong nhiều môi trường khác nhau.

“Bất cứ một phương pháp nuôi cấy, tách ghép nào cũng được gia đình tôi thực hiện, đi cùng với đó là hàng trăm các phương thức chăm sóc, với phân bón khác nhau, tất cả đều được ghi chép cẩn thận và hết sức chi tiết. Sau một thời gian nhân giống thử nghiệm tôi nhận ra cây rằng cây lan gấm chỉ phát triển trong những điều kiện tương tự như trong tự nhiên.

Vì thế khi có kết quả là hai vợ chồng bắt tay cải tạo lại khu vườn cho phù hợp với điều kiện sống của cây để tiến hành nhân giống trồng ngay”, ông Hoàng nói.

Đến thời điểm hiện tại, khu vườn rộng chừng 2.000 m2 nhà ông đã có hơn 250.000 chậu lan gấm được nhân giống thành công và phát triển tốt với giá trị vườn ươm lên đến cả tỷ đồng.

CÂY THUỐC QUÝ

Vợ chồng ông Hoàng cho biết, thời gian đầu thấy đây là một loại cây có giá trị mà trong tự nhiên thì đã cạn kiệt nên họ quyết định đưa cây lan gấm về trồng, vừa làm cây cảnh trong nhà vừa tiện thử xem công dụng của nó có như người ta đồn thổi hay không?

Lúc còn ngờ ngợ về công dụng của cây lan gấm hai vợ chồng cũng hái lá nấu nước, ngâm rượu để dùng thử nhưng không ngờ có tác dụng thật. Nhiều lúc đi làm rẫy về mệt mỏi, tay chân bủn rủn nhưng hái vài lá bỏ vào nấu canh ăn xong thấy khỏe hẳn lại muốn đi làm ngay.


Một cặp lan gấm không dưới nửa triệu đồng

"Vợ chồng tôi năm nay đã 65 tuổi nhưng hằng ngày vẫn lên rẫy làm cà, làm tiêu, gùi hàng mang vác như thường, có được như vậy là nhờ thường xuyên dùng lá của cây lan gấm để làm thực phẩm và ngâm rượu uống đó. Loại cây quý như thế này mà nếu được đưa vào phát triển y học trong nước thì tốt quá”, ông Hoàng khẳng định.

Thạc sỹ Bùi Đình Thạnh, phụ trách Phòng Các chất có hoạt tính sinh học, Viện Sinh học nhiệt đới TPHCM cho biết: "Cây lan gấm có chứa nhiều hoạt chất vô cùng quý hiếm và có tác dụng to lớn trong y học. Để bảo tồn và phát triển loại cây này, tôi cũng đã nhiều lần liên hệ với gia đình ông Hoàng để tham quan vườn giống và bàn phương án phát triển nguồn dược liệu sạch để phục vụ cho nhu cầu y học trong nước và quốc tế".

Theo NNVN

Các tin khác