1.001 cách làm ăn: Nuôi ngựa

 Ngựa có vô vàn tác dụng cho con người. Nó là một con vật hiền lành, chung thuỷ, nhanh nhẹn, dũng mãnh. Trong chiến tranh, ngựa oai nghiêm, đường bệ và dũng mãnh xông ra chiến trường. Còn trong thời bình, ngựa hiền hoà, vui vẻ tham gia các trò chơi thể thao, phục vụ du lịch và làm xiếc cho con người thưởng thức.

Ở miền núi và nhiều vùng quê, ngựa vẫn kiên trì trèo đèo, lội suối đưa hàng hoá tới mọi nẻo đường. Gần đây tôi mới biết ở làng pháo Bình Đà (Hà Nội), sáng sáng người ta hối hả mổ thịt ngựa để kịp đưa vào thành phố làm... phở bò! Khách ăn vẫn gật gù khen: “Phở bò ngon thật!”. Tại sao không có nhà hàng nào treo biển “Phở ngựa tuyệt hảo!!!” Biết đâu, đó sẽ là một bước ngoặt với thực khách.

Thịt ngựa đã ngon, còn máu ngựa càng quý. Nó được điều chế làm hàng loạt các loại thuốc như: Chống đông máu, tăng miễn dịch, phòng chống bệnh cho gia súc, kích dục cho vật nuôi, cung cấp B12 cho nhiều loài khác...

Xương ngựa được nấu cao có thể giúp tăng thể lực và chữa được rất nhiều bệnh cho con người. Còn sữa ngựa - đó là loại sữa tốt nhất để thay thế cho sữa người, có thể uống tươi hoặc làm sữa chua. Da ngựa rất quý và làm được nhiều mặt hàng dân dụng. Lông ngựa làm bàn chải; lông đuôi làm cung kéo cho đàn violon... Phân ngựa khác gì phân bò, ta có thể bón cây hoặc làm thức ăn tuyệt vời cho giun đất.

Rõ ràng, con ngựa quá hay. Nếu ai có một đàn ngựa vào lúc này thì may mắn lắm. Chúng tôi đã đề nghị GS.TS Nguyễn Văn Thiện và các chuyên gia đầu ngành về ngựa của Viện Chăn nuôi quốc gia viết riêng cho bà con một cuốn sách về “Nghề nuôi ngựa”. Sách đó được Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành (trong bộ sách “100 nghề cho nông dân”).

Đọc sách mới biết, đôi khi bà con mình hay bỏ qua nhiều khâu trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc cho ngựa. Đâu phải ngựa nào cũng nuôi! Ta nên chọn lọc kỹ càng, phải xem xét từng bộ phận, xác định tình trạng sức khoẻ, thể cách và tính tình.

Có nhiều loại ngựa nhưng nhìn chung chúng phải có thể chất khoẻ mạnh, xương cốt vững vàng, cân đối, cơ bắp săn chắc, lông da mềm, mượt, thần kinh hoạt bát, nhanh nhẹn... Có thể chọn ngựa theo kinh nghiệm cổ truyền hoặc dựa vào các chỉ số. Với ngựa đực và ngựa cái cũng có những yêu cầu về kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý riêng. Với ngựa con và ngựa chuyên dụng cũng có những yêu cầu đặc biệt...

Nuôi ngựa không khó và có thể nuôi ở bất cứ đâu. Hiện nay, ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia (nằm ở xã Bá Vân, thị xã Sông Công, Thái Nguyên) người ta đã có những giống ngựa tuyệt hảo. Bạn có thể liên hệ với GS Thiện để biết thêm nhiều điều thú vị khác về con ngựa và cách nuôi (số điện thoại: 0914.741.471).

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng

Các tin khác