Sống nghèo bên cây “tỷ đô”, vì sao?

Mắc ca (tên khoa học là Macadamia) - loại cây hứa hẹn sẽ mang lại vài tỷ USD mỗi năm cho nông dân Việt Nam. Nhưng dù đã du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm qua, nông dân các vùng trồng mắc ca ở Tây Bắc và Tây Nguyên vẫn sống nghèo bên loại cây “tỷ đô” này.

Để góp phần trả lời cho câu hỏi vì sao có tình trạng như vậy, ngày 24.1 tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Festival Macadamia 2015 do Ban chỉ đạo Tây Bắc, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cùng Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghệ quốc tế phối hợp tổ chức với mong muốn giới thiệu tới cộng đồng người tiêu dùng các sản phẩm chế biến từ mắc ca và những cơ hội đầu tư cho lợi nhuận cao và bền vững. Sự kiện này đã thu hút trên 2.000 người tham dự.


Cây mắc ca được đưa về Festival Macadamia 2015 từ tỉnh Sơn La

Mắc ca là loại hạt quý hiếm được mệnh danh là “nữ hoàng” trong các loại hạt khô, đây là một trong những loại hạt ngon nhất, đắt nhất thế giới. Hạt có vị thơm mềm như bơ và có chứa hàm lượng chất béo rất cao. Theo thống kê của Hiệp hội hạch quả và hoa quả sấy thế giới (INC), năm 2012 tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới đạt trên 145.000 tấn và đạt giá trị khoảng 728 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng của thị trường từ năm 2006 đến nay trung bình từ 10-15%.

Thị trường mắc ca tại châu Á hiện đang tăng trưởng rất mạnh. Năm 2014 đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Năm 2014 Trung Quốc đã nhập khẩu 36% lượng mắc ca thế giới. Bên cạnh đó còn rất nhiều thị trường lớn chưa được khai thác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Đông và Việt Nam.

Theo con số thống kê thị trường toàn thế giới đến năm 2020 cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương 650.000 tấn hạt). So với nhu cầu thì nguồn cung đến năm 2020 chỉ mới đáp ứng được 25-30% lượng cầu. Từ đó thấy rằng nhu cầu của sản phẩm mắc ca là rất lớn.


Sản phẩm làm từ hạt mắc ca được giới thiệu tại Festival Macadamia 2015 ngày 24.1

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây: “Mắc ca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều, thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện cung không đủ cầu. Tại Việt Nam, mắc ca đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm trong hơn 10 năm trở lại đây ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên với tổng diện tích trên 2.000 ha. Việt Nam đã quy hoạch 200.000 ha ở Tây Nguyên và 30.000 ha ở Tây Bắc. Dự kiến đến năm 2025 đạt 200.000 tấn hạt và tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025. Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm. Cũng vì thế người ta gọi mắc ca là cây tỷ đô.

Hiện nay trên thế giới, 1kg hạt mắc ca có giá 15 USD (tương đương 300.000 đồng), tuy nhiên ở Việt Nam giá 1kg hạt mắc ca chỉ khoảng 2 USD (40.000 đồng), kém xa rất nhiều lần so với giá trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia trong nước, Việt Nam được xem là một trong những nước có tiềm năng để trồng cây mắc ca, tuy nhiên đến nay diện tích trồng mắc ca vẫn còn rất hạn chế, chưa có quy hoạch phát triển cụ thể, chưa có chính sách khuyến khích mở rộng vùng trồng, bên cạnh đó giá bán mắc ca ở Việt Nam vẫn kém xa so với giá bán bình quân trên thế giới. Vì vậy cho nên nông dân các vùng trồng mắc ca ở Tây Nguyên và Tây bắc vẫn chưa thể làm giàu từ “nữ hoàng” tỷ đô này.

Vậy làm gì để đánh thức “nữ hoàng” quả khô, làm thế nào để đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây mắc ca, làm sao để mở rộng, phát triển thị trường, tăng giá bán mắc ca trong nước? Tại Diễn đàn “Mắc ca Việt Nam – Tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác” tổ chức chiều nay 24.1 tại Hà Nội - một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện Festival Macadamia 2015, các đại biểu đã thảo luận chi tiết về khó khăn thuận lợi, thách thức và cơ hội của việc đưa Việt Nam trở thành nước số một thế giới về trồng và xuất khẩu mắc ca.


Diễn đàn “Mắc ca Việt Nam – Tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác” tổ chức chiều nay 24.1 tại Hà Nội thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân tham gia.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước như ông Trương Xuân Cừ - Phó trưởng ban, phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngãi – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cùng đại diện các sở ban ngành của 8 tỉnh có trồng mắc ca ở Tây Nguyên, Tây Bắc.

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các thông tin chi tiết trong hội thảo này được đăng tải trong bài viết Đánh thức "nữ hoàng" tỷ đô. 

Theo Dân Việt

Các tin khác