Giải pháp cho vụ xuân ấm 2015

Trên thực tế và theo kinh nghiệm cổ truyền “Cửu nguyệt phong lôi, tứ nguyệt hàn”, nghĩa là tháng 9 có sấm chớp, tháng 4 năm sau sẽ lạnh, rét nàng Bân sẽ về muộn hơn bình thường; nếu lúa làm đòng và trỗ giai đoạn này năng suất bị ảnh hưởng rất lớn (bài học ở một số tỉnh năm 2013, lúa BC15 làm đòng gặp rét tháng 4 bị lép rất nhiều).

Ngoài ra, thời tiếp ấm, cơ hội tốt cho côn trùng đẩy nhanh vòng đời, nguồn thức ăn sẽ sẵn có hơn, ký chủ tốt hơn, vì vậy vụ xuân ấm cũng sẽ đối mặt với áp lực sâu bệnh nhiều hơn… Để giảm thiểu rủi ro đối với vụ xuân ấm thì kinh nghiệm sâu sắc nhất đúc rút từ nhiều năm chỉ đạo là:

Dự báo sớm, cảnh báo sớm, chỉ đạo sớm, quyết liệt, sâu sắc để cả hệ thống chính trị nhận thức được rồi vào cuộc cùng ngành nông nghiệp. Và đặc biệt cần làm tốt những việc sau:

- Về giải pháp kỹ thuật: Ðảm bảo lúa xuân trỗ bông vào trung tuần tháng 5, đây là giai đoạn trỗ bông an toàn cao nhất cho lúa năm nay dù thời tiết ấm hay rét.

- Cơ cấu giống: Mở tối đa giống ngắn ngày, nên chọn nhóm giống có thời gian sinh trưởng 135 - 140 ngày vụ xuân trở xuống, hầu hết các giống chất lượng, giống lúa lai, giống lúa năng suất cao đang phổ biến là ở nhóm này. Kết quả điều tra một số vụ ấm với nhóm giống dài ngày, ngắn ngày, lúa ưu thế lai cho thấy: Nhóm dài ngày bị tác động mạnh nhất và mức giảm năng suất khi gặp ấm là lớn nhất. Giống ngắn ngày có suy giảm nhưng không đáng kể, đặc biệt với lúa lai thì khá ổn định và vẫn cho năng suất cao do tác động của lạnh muộn đến phân hóa không có ý nghĩa.

Vụ ấm vẫn ghi nhận năng suất tới 75 - 80 tạ/ha với lúa ưu thế lai. Thông điệp đưa ra là mở rộng hơn nữa lúa ưu thế lai trong nhóm ngắn ngày.


Nông dân Bắc Ninh gieo cấy lúa xuân

- Thời vụ gieo cấy: Lịch thời vụ đã quy định trong báo cáo SX vụ xuân 2015 của các tỉnh; tất cả các giống lúa nên thực hiện gieo vào nửa cuối lịch thời vụ, cấy kết thúc trong tháng 2/2015. Không để bất cứ địa phương nào chỉ đạo và thực hiện gieo cấy trước lịch quy định.

- Phương thức gieo cấy: Mở rộng tối đa diện tích lúa gieo thẳng, lúa gieo mạ khay ở những nơi có địa hình cho phép. Vụ xuân 2015: Khó, nhưng chúng tôi tin với kinh nghiệm, sự sâu sát của cán bộ trong ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nông dân tiếp thu, vận dụng sáng tạo thì SX sẽ thắng lợi.

- Ðiều hành nước: Một yếu tố vô cùng quan trọng với lúa xuân, “nước là áo của lúa xuân” giai đoạn cây con không thể để thiếu nước, nhưng cần tưới tiết kiệm mà mang lại hiệu quả cao với cách tưới “nông - lộ - phơi” cho giai đoạn đẻ nhánh trở về sau. Tưới như vậy sẽ có cánh đồng lúa khỏe mạnh, rễ lúa ăn sâu, hút dinh dưỡng tốt và cứng cây, chống đổ.

- Bón phân: Chỉ sử dụng phân tổng hợp NPK, không nên bón đạm đơn; bón lót nhiều, lót sâu, bón thúc sớm.

- Sâu bệnh: Cần hết sức lưu ý để điều tra, phát hiện, dự tính dự báo kịp thời, tiêu diệt sớm không để nguy cơ lây lan, phát sinh thành dịch, chú ý các giống mẫn cảm, chân đất, ruộng thường xuyên có ổ bệnh.

Ðặc biệt chú ý các đối tượng sâu bệnh thường gặp năm thời tiết vụ xuân ấm, nhất là đối tượng đạo ôn cổ bông khi lúa trỗ. Tổ chức hình thức dịch vụ BVTV để dùng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách, giảm chi phí và giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế tình trạng “kê đơn, bốc thuốc” phun tùm lum nhiều loại trong một lần.

Tuyên truyền, vận động và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, mạnh dạn chuyển lúa ở chân đất cao, khó tưới, chân pha cát, thịt nhẹ sang các cây trồng cạn có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ, nhưng cần đảm bảo đồng bộ với một gói kỹ thuật từ giống đến canh tác (mật độ, phân bón…) để chuyển đổi phải cho hiệu quả cao hơn lúa.

Các địa phương sử dụng tối đa hệ thống thông tin tuyên truyền, đặc biệt là hệ thống truyền thanh xã, thị trấn để thông tin tình hình về tác động bất lợi và các biện pháp kỹ thuật phòng chống tác động bất lợi ở vụ xuân ấm để mọi người dân nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc.

Theo NNVN

Các tin khác