Cây ăn quả đón đầu TPP

 Có “vàng” phải biết đem phô

Điều đáng lo ngại nhất lại chính là khả năng cạnh tranh của chúng ta. Trong nhiều năm qua, ta đã mất quá nhiều công sức để ngăn dòng hàng từ các nước bạn đổ vào Việt Nam với giá “quá rẻ”! Điển hình như việc nhập lậu đường ăn từ các nước xung quanh. Ngay cả đường ăn của Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai sản xuất tại Lào mà giá thành cũng rẻ hơn ở ta nhiều. Vậy, nếu họ được đưa vào Việt Nam thoải mái thì đường của ta sẽ bán cho ai?! Hầu như các mặt hàng nông sản đều trong tình trạng báo động nếu như ta hội nhập với bè bạn. Ngành chăn nuôi đã kéo chuông cảnh báo. Gà, lợn, trâu, bò, dê, thỏ… của ta đều đang ở ngưỡng rất khó cạnh tranh. Hàng của bạn vừa ngon lại vừa rẻ, có khi hàng của ta lại bị chết ngay trên chính đất của ta. Đây là điều mà tất cả chúng ta cùng phải suy nghĩ. Từng gia đình cũng nên lo chung với Chỉnh phủ. Dân giàu thì nước mới mạnh được. Do đó, phải dốc sức lo cho việc này.

 


Thanh long là loại quả xuất khẩu số một ở Việt Nam.

Riêng với các loại cây ăn quả, ta cũng phải hết sức nghiêm túc nhìn nhận một cách khách quan. Chớ vội nghênh ngang, ngây ngất với các loại đặc sản mà lâu nay ta vẫn tự hào. Ngày xưa, các cháu vẫn hát: “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm…”. Có lẽ còn nhiều thứ nữa mà dân ta vẫn tự hào. Tuy nhiên tới lúc này, khoa học và công nghệ tiến rất nhanh. Các giống cây ăn quả được nghiên cứu chọn giống, lai tạo, bình tuyển ở khắp nơi. Rất nhiều nước đã đưa ra nhiều mặt hàng hoa quả trứ danh và vươn lên vị trí hàng đầu. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì phải kể tới các nước như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… Họ đã tạo ra những giống cây ăn quả có sản phẩm vừa đẹp lại vừa ngon. Với các loại quả có múi (như cau, chanh, quýt, bưởi…) thì đa phần là không có hạt và chất lượng tuyệt vời.

Bài học từ sự nhanh nhạy của thế giới

Tôi đã tới thăm nhiều vườn cam ở California (Mỹ). Cam của họ tròn và đều tăm tắp, vỏ vàng óng, múi mọng nước, ngọt lừ và không có hạt. Tuy là cam nhưng nó có thể bóc vỏ như quýt. Quả không có xơ bám xung quanh và không có lõi ở giữa. Toàn bộ khâu canh tác của họ (kể cả khâu thu hoạch quả) đều được thực hiện bằng máy. Vì vậy, giá thành của phẩm rất rẻ.

Còn khi tới thăm Thái Lan, ta dễ dàng thấy bạn bày la liệt các loại quả rất giống với ở ta như: Táo, ổi, na, mít, sầu riêng… Chỉ có điều, quả của họ có dáng đẹp hơn, màu sắc bắt mắt hơn và chất lượng cũng ngon hơn.

Ở Đài Loan, ta cũng gặp nhiều loại quả tương tự. Đài Loan xưa kia chỉ là một hòn đảo hoang sơ, cằn cỗi. Nhưng nay nó thành như một viên ngọc chói sáng. Hàng của họ luôn đủ sức cạnh tranh với thế giới. Cây ăn quả đã được lai tạo và chọn lọc kỹ lưỡng nên giống của họ rất tốt, loại quả nào cũng ngon.

Tôi đã tới những cánh đồng mênh mông ở miền nam Trung Quốc. Họ trồng bạt ngàn chuối tiêu. Tất cả giống chuối ở đây đều được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Vì vậy, chúng đồng đều và cho năng suất rất cao. Nhìn những buồng chuối dài tới cả mét, quả to bự đều từ trên xuống dưới khiến ta rất ngưỡng mộ. Bạn còn rất nhiều loại quả hấp dẫn khác.

Hầu như tất cả các nước trong khu vực đều hết sức coi trọng giá trị của cây ăn quả. Đó là thế mạnh của khu vực. Ở ta, điều kiện khí hậu có khi còn thuận lợi hơn nhiều nước khác. Vì vậy, cần phát huy hết tiềm năng này để bước vào hội nhập. Mọi việc có lẽ phải bắt đầu từ khâu khoa học kỹ thuật. Ta phải chọn ra những đối tượng “chủ bài” và tập trung để nâng cao giá trị của chúng lên. Trước hết là các cây nhiệt đới như cam, quýt, chuối, dứa, sầu riêng, măng cụt, na, mít… Công ty Vinamit đã có bước đột phá – lần đầu tiên dùng công nghệ sấy để nâng cao giá trị cho hàng loạt loại quả của chúng ta từ mức bình thường lên hàng cao cấp. Đó là một hướng làm ăn rất đáng học tập.

Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay

Ta còn rất nhiều loại quả đủ sức cạnh tranh nếu như khâu chế biến được tăng cường. Tôi vẫn ấp ủ việc chế biến quả trám, quả sấu thành các loại mứt ăn, nước uống đặc sắc để trinh phục thị trường thế giới. Chắc chắn, sấu và trám phải ngon hơn me. Nếu ai kho cá với quả trám thì sẽ được một món ăm tuyệt vời. Vị chua, chát của trám quện với vị ngọt của thịt cá sẽ cho ta một hương vị độc đáo, hấp dẫn. Tôi nghĩ, một công ty nào đứng ra đóng hộp món ăn này có khi lại bán rất chạy. Ngoài hương vị độc đáo, trám còn là loại quả có hàm lượng canxi dinh dưỡng cao nhất trong các loại quả. Vì vậy, người ta càng mê món trám kho với thịt cá.

Quả sấu thì mới chỉ được làm ô mai. Mẫu mã cũng còn rất thô sơ, trông nhăn nhó, méo mó. Vì sao ta không sản xuất các loại kẹo sấu, mứt sấu, nước sấu, bột sấu… Chắc chắn chúng sẽ rất hấp dẫn nếu được sản xuất ra.

Ở Tây Nguyên và Tây Bắc, chúng tôi đang tập trung phát triển mạnh cây mắc ca. Đó là ý tưởng của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ông đã đưa nó về từ Úc. Hiện nay, mắc ca đã được trồng mạnh ở hầu khắc các tỉnh trên các vùng này. Ngoài ra, ở Thanh Hóa, Nghệ An và ở phía Tây của Quảng Trị và Quảng Ngãi – nơi giáp với Tây Nguyên cũng đã được đưa vào trồng. Mắc ca là loại quả khô ngon nhất hiện nay. Thế giới phong nó là “ Hoàng hậu của các loại quả khô”. Cả thế giới mê hạt mắc ca. Nó vừa giàu dinh dưỡng, lại thơm ngon và có cả vị bơ. Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) của chúng ta đã bắt đầu cho ra các sản phẩm mắc ca. Hàng bán rất chạy, có bao nhiêu cũng hết. Với thế mạnh về tự nhiên, ta có thể thành cường quốc về sản xuất hạt mắc ca.

Cây bơ cũng rất nên phát triển. Đó là loại quả chứa chất béo đơn không bão hòa, giàu khoáng chất và vitamin, tốt cho sức khỏe và làm giảm cholesterol… Chỉ có điều, bơ chỉ bảo quản được 6-7 ngày. Chúng mau hỏng. Vậy, công ty nào đứng ra chế biến quả bơ thành bột bơ thì đó sẽ là một hướng làm ăn đầy triển vọng. Ở Canada, người ta còn tinh chế để lấy ra dầu bơ. Đó là một sản phẩm cao cấp. Bơ rất dễ trồng và có thể phát triển mạnh ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh phía Bắc. Nếu khâu chế biến làm tốt thì việc phát triển cây bơ sẽ là một hướng đi tuyệt vời.

Ở từng vùng, từng miền còn rất nhiều loại cây ăn quả hấp dẫn khác nữa. Tất cả các đối tượng ấy đều cần được đầu tư để nâng cao giá trị qua bảo quản và chế biến. Chúng ta phải vững vàng bước vào hòa nhập với các nước trong khu vực bằng các mặt hàng hấp dẫn và độc đáo được làm từ các loại quả đặc sắc của chúng ta.

Hầu như tất cả các nước trong khu vực đều hết sức coi trọng giá trị của cây ăn quả. Đó là thế mạnh của khu vực. Ở ta, điều kiện khí hậu có khi còn thuận lợi hơn nhiều nước khác. Vì vậy, cần phát huy hết tiềm năng này để bước vào hội nhập. Mọi việc phải khởi động ngay từ hôm nay.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng

Các tin khác