Bí quyết bảo quản, chế biến thức ăn nuôi dê của “kiện tướng”

Chia sẻ tỉ mỉ về thức ăn và biện pháp giải quyết thức ăn nuôi dê với PV Dân Việt, ông Đàm phân tích: “Bảo quản, chế biến thức ăn nuôi dê ở chốn “vùng sâu vùng xa” với tôi là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, dê có lớn nhanh và khỏe mạnh cũng chính là nhờ vào nguồn thức ăn đảm bảo này”. 

Theo ông Đàm: Thức ăn cho dê chủ yếu là cỏ khô, lá sắn, keo dậu, cây ngô,... Để bảo quản, chế biến thức ăn chăn nuôi dê thì người nuôi có thể tiến hành phơi khô, ủ rơm với urê, ủ chua một số loại thức ăn thô xanh,.. 

Đối với cỏ, thời gian thu hoạch để làm cỏ khô tốt nhất là từ tháng 7 đến tháng 9, khi cỏ mới ra hoa, sản lượng và thành phần, giá trị dinh dưỡng cao. Phải chú ý theo dõi diễn biến thời tiết, bố trí đủ nhân lực, phương tiện thu cắt, vận chuyển và cất giữ.

Sau khi thu cắt thức ăn thô xanh cần tiến hành phơi ngay, thường xuyên đảo để khô đều và nhanh. Không phơi quá nắng để hạn chế tổn thất các dinh dưỡng, nhất là đối với vitamin. Sau khi thức ăn này đã khô, cho vào bao tải hoặc đánh thành đống để bảo quản. Lưu ý nên nén chặt và che mưa. Nếu có điều kiện thì xây dựng nhà kho dự trữ, bảo quản.

Về quy trình ủ rơm với urê, để ủ rơm với phân urê cần tuân thủ theo tỷ lệ: cứ 1 tấn rơm khô ủ với 40 kg urê pha trong 800- 1.000 lít nước. Về hố ủ thì cần xây hố ủ kiểu hai vách đối diện nhau, trên nền xi- măng, dung dịch tùy theo lượng rơm cần ủ.

Cách ủ: Pha urê vào nước theo tỷ lệ trên, lưu ý khuấy đều cho urê tan hết; trải rơm theo các lớp dầy 20cm, cứ sau mỗi lớp, dùng ôdoa tưới nước urê sao cho ướt đều rơm; lấy cào đảo qua đảo lại và dùng chân dậm nén cho chặt; cuối cùng, dùng một tấm ni-lông phủ lên miệng hố sao cho thật kín để nước mưa không lọt vào và khí amoniac bên trong không bay ra.

Sau khi ủ 7- 10 ngày có thể lấy rơm ra cho dê ăn. Lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa. Lấy xong lại đậy kín hố. Lúc đầu có thể dê không quen ăn. Cần tập cho dê ăn như sau: cho dê ăn rơm vảy với nước, sau đó cho ăn một tí rơm ủ với urê, rồi tăng dần lên.
Để ủ chua một số loại thức ăn thô xanh cần lưu ý đến nguyên tắc và yêu cầu chung trong ủ chua đó là phải có một hố ủ sạch sẽ, đảm bảo không cho nước, không khí ngấm, lọt vào hố. Hố ủ có thể là loại xây bằng gạch, có thể là hố đào trong đất, có thể là thùng phi, túi chất dẻo.

Thức ăn đem ủ phải có chất lượng tốt, tươi, không thối, mốc, không lẫn các tạp chất. Phải đảm bảo độ ẩm của thức ăn trước khi chất vào hố khoảng 65- 70%. Cũng có thể phải cho thêm rỉ mật đường hoặc một số chất bổ sung khác, tùy theo loại thức ăn. Thức ăn chất vào hố phải được nén thật chặt, nhất là các góc hố. Thao tác chất thức ăn vào hố phải càng nhanh càng tốt và sau đó phải đóng hố ngay.

Sau khoảng 3 tuần ủ có thể sử dụng thức ăn ủ chua để nuôi dê nhưng một khi đã mở hố phải dùng liên tục cho đến khi hết và sau mỗi lần lấy xong phải đóng kín hố lại. Với ủ chua cây ngô sau khi thu bắp, cần cắt ngô vào ngày thu bắp, phơi tái một hoặc hai ngày. Đối với loại cây ngô sau khi thu bắp khô: cắt ngay sau khi thu bắp khô, không để chậm hơn và không cần phơi thêm. Loại bỏ bớt phần gốc già, cứng và các lá khô, già.

Băm thái nhỏ (dài 3- 6cm). Chất vào hố theo từng lớp dày 20- 30cm. Sau mỗi lớp cần dậm nến chặt ngay. Phải cho thêm rỉ mật đường (10 lít rỉ mật đường cho một hố ủ 1,5m3). Dùng ôdoa tưới đều lượng rỉ mật đường này theo từng lớp thức ăn trước khi dậm nén.

Với ủ chua cỏ: Có thể ủ riêng từng loại cỏ hoặc hỗn hợp nhiều loại cỏ với nhau. Nếu cắt cỏ vào giai đoạn trước khi ra hoa thì nên băm thái nhỏ (dài 3- 6cm), phơi tái, cách ủ như đối với cây ngô sau thu bắp nhưng lượng rỉ mật đường ít hơn (5 lít rỉ mật đường cho hố ủ 1,5m3…). 

Theo Dân Việt

Các tin khác