Cà phê ghép, năng suất "khủng"

Gần 20 năm miệt mài SX cà phê vối nhưng vườn của ông Trần Có cũng chỉ cho năng suất cao nhất đạt 5 tấn nhân/ha. Bên cạnh đó, do thói quen làm thả đọt nên cây cà phê rất cao, khó thu hoạch, làm tốn nhiều công sức và chi phí chăm sóc.

Hiệu quả kinh tế từ vườn cây cà phê mang lại thấp. Sau nhiều lần thay đổi cách chăm sóc nhưng không hiệu quả, ông Có dự tính nhổ bỏ để trồng mới. “Nếu nhổ đi trồng cây mới thì 3 năm sau mới cho thu hoạch trái bói và mất đến 7 năm cây cà phê mới bước vào thời kỳ kinh doanh, cho năng suất ổn định. Hơn nữa tôi cũng boăn khoăn không biết khi trồng giống mới có được như cây bố mẹ không. Quan trọng hơn là gia đình đã đầu tư khá nhiều cho hơn 1.700 gốc cà phê, nếu nhổ đi trồng mới lại toàn bộ thì lãng phí quá”, ông Có trăn trở.

Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Có nhận thấy cây cà phê có phần giống cây cam, chanh mà ông vẫn thường chọn giống, tăng năng suất bằng cách ghép. Năm 2010 ông Có đi sang Lâm Đồng tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những người bạn trồng cà phê ghép lâu năm.

Bên cạnh đó, ông cũng kết hợp thêm những kiến thức thu nạp qua các lớp tập huấn chuyển giao KHKT ở địa phương, sách báo lẫn truyền hình. "Đối với những vườn cà phê già cỗi cần phải tái sinh hiện nay nhưng gốc cây bố mẹ còn khỏe, có những ưu điểm tốt thì bà con nên giữ lại để ghép cành giống mới chứ không nên chặt bỏ. Ưu điểm của cách làm này là giữ nguyên được những đặc điểm của cây giống, giúp giảm chi phí đầu tư phân bón, công làm cỏ, chặt cành, phun thuốc.


Vườn cà phê ghép 1,4 ha của ông Trần Có cho sản lượng 10 tấn nhân

Việc thu hoạch lại thuận lợi do cà phê cho trái to, dễ hái, giữ được cành, lá cho vụ sau, nhất là năng suất cao hơn hẳn", ông Có chia sẻ. Đầu năm 2011, ông Có bắt tay vào thực hiện việc ghép giống cà phê V4 trên những gốc cà phê cũ trước đây của gia đình. Ban đầu do ông chưa thuần thục cách ghép, cũng như cách chăm sóc cây ghép nên kết quả mang lại không như mong muốn.

Tiếp tục vừa làm vừa rút ra kinh nghiệm cho bản thân là chọn những dòng, chồi giống tốt để ghép vào gốc cà phê cũ, đến khi chồi ghép phát triển tốt rồi mới cưa cây. Cứ như vậy, chỉ sau vài tháng, ông Có đã hoàn thành việc cải tạo lại 1.700 gốc cà phê mới trong vườn. Chỉ sau một năm thực hiện ghép chồi, 1.700 gốc cà phê của ông Có đã cho những quả bói đầu tiên với sản lượng đạt 7 tạ nhân.

Sang năm thứ 2 vườn cà phê ghép tăng lên 2,5 tấn nhân rồi 5 tấn nhân trong năm thứ 3. Riêng trong năm thứ 4 vừa qua, 1,4 ha cà phê ghép cho sản lượng tới 10 tấn nhân. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là sản lượng cao nhất mà ông Có mong muốn đạt tới.

“1.700 cây cà phê ghép của tôi vẫn đang trong giai đoạn tái sinh, phải bước sang năm thứ 5 thì cây mới bước vào thời kinh doanh, cho năng suất cao nhất. Với cách làm, đầu tư, chăm sóc như hiện tại, trong năm tới vườn cà phê ghép của tôi sẽ còn cho năng suất cao hơn nữa”, ông Có khẳng định.

Để thực hiện việc ghép chồi thành công, theo kinh nghiệm của ông Có, bà con cần lưu ý đến những việc quan trọng như: Chồi giống được lựa chọn để ghép phải là các giống có chất lượng, tính năng vượt trội so với giống bố mẹ, mắt ghép phù hợp. Thực hiện việc ghép chồi phải thực hiện vào đầu mùa mưa và tuân thủ theo đợt phân.

Theo đó, mắt ghép sau khi được ghép vào gốc bố mẹ thì sau 30 ngày mới tiến hành bón phân, hoặc ngược lại nếu đã bón phân cho gốc bố mẹ thì sau 30 ngày mới tiến hành ghép chồi.

Theo NNVN

Các tin khác