Nhãn Ido thoát bệnh 'chổi rồng'

Nói tới việc tốn tiền trị bệnh chổi rồng trên các giống nhãn cũ mà hiệu quả kém, xin dẫn lời của ông Trần Văn Nhịn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phong: “Trước đây, giống nhãn tiêu Huế chiếm gần như toàn bộ diện tích trồng nhãn trên cù lao Tân Phong. Nhưng những năm qua, các vườn bị tổn thất nặng nề bởi bệnh chổi rồng.

Năm ngoái, tỉnh hỗ trợ cho riêng xã Tân Phong thuốc và các chi phí khác, trị giá gần 2 tỷ đồng, để trị bệnh chổi rồng mà vẫn không hiệu quả”. Nhãn và chôm chôm là 2 loại cây ăn trái chủ lực ở Tân Phong. Riêng về cây nhãn, trước đây, giống nhãn tiêu Huế chiếm gần như toàn bộ diện tích, nhưng vẫn có một số hộ đã trồng giống nhãn Ido.

Như hộ ông Nguyễn Văn Lựa ở ấp Tân Bường A đã trồng nhãn Ido từ hơn 10 năm nay. Hay hộ ông Năm Đời ở ấp Tân An, từ 7 năm trước, khi bắt đầu trồng nhãn ở vùng bãi bồi ven sông Tiền, cũng đã trồng ngay giống nhãn Ido trên diện tích tới 7 ha. Ở những vườn nhãn Ido này, chúng tôi đều ghi nhận một điều quan trọng là hầu như không bị bệnh chổi rồng gây hại. Về năng suất, nhãn Ido không thua kém gì so với nhãn tiêu Huế, thậm chí còn cao hơn.

Ông Năm Đời cho biết mỗi cây nhãn trong vườn nhà ông cho bình quân khoảng 200 kg trái/vụ. Tính ra, mỗi ha đạt năng suất bình quân là 20 tấn. Đặc biệt, nhãn Ido thường có giá bán cao hơn nhiều so với nhãn tiêu Huế. Chính vì vậy, ông Trần Văn Nhịn cho biết, từ chỗ chỉ chiếm diện tích khá nhỏ, đến nay, nhãn Ido đã áp đảo diện tích trồng nhãn ở Tân Phong khi đạt khoảng 70 ha, trong khi nhãn tiêu Huế đã giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng trên dưới 30 ha.


Ông Năm Đời bên cây nhãn Ido

Cứ đà này, có lẽ trong thời gian không xa, nhãn Ido sẽ chiếm lĩnh gần như toàn bộ diện tích trồng nhãn ở Tân Phong. Nếu như nhãn tiêu Huế bán tại vườn thường chỉ được trên 10.000 đ/kg, thì giá nhãn Ido tại vườn không dưới 20.000 đ/kg. Có nhiều vụ thường đạt trên dưới 30.000 đ/kg, lúc cao điểm nhất giá nhãn Ido tại vườn lên tới khoảng 40.000 đ/kg. Bởi vậy, các hộ trồng nhãn Ido ở Tân Phong đều có thu nhập cao.

Bình quân, mỗi ha cho lợi nhuận khoảng trên 200 triệu đồng. Thành công của những hộ đi trước trong việc trồng nhãn Ido là động lực mạnh mẽ với các nhà vườn ở Tân Phong. Nhìn chung những hộ vẫn còn trồng nhãn tiêu Huế ở Tân Phong đều mong muốn được chuyển sang nhãn Ido vì vừa né được bệnh chổi rồng, lại cho năng suất, giá bán và lợi nhuận cao, đầu ra ổn định. Cái khó lớn nhất là vốn đầu tư ban đầu để thay thế vườn nhãn cũ bằng giống nhãn Ido là không hề nhỏ.

Theo ông Trần Văn Nhịn, giá một cây chồi hiện vào khoảng 70.000 - 80.000 đồng. Giá một nhánh mới chiết ra rồi bán liền là 20.000 đồng. Nếu trồng thưa, mỗi cây cách nhau 8 - 10 m, trồng dày cách nhau 5 - 6 m. Tính ra, để thay thế 1 ha nhãn tiêu Huế bằng 1 ha nhãn Ido, chi phí bình quân khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, sự thuyết phục của giống nhãn Ido về khả năng kháng bệnh, hiệu quả SX, đang giúp cho ngày càng có thêm nhiều hộ trồng nhãn ở Tân Phong mạnh dạn bỏ giống nhãn cũ, chuyển sang giống nhãn này, nhất là khi họ đang dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Cai Lậy. Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Phong, tổng dư nợ của Agribank là trên 50 tỷ đồng thì trong đó hơn 30 tỷ đồng là nông dân vay phục vụ cải tạo vườn, mà phần lớn là chuyển từ giống nhãn tiêu Huế sang nhãn Ido.

Theo NNVN

Các tin khác