Hiếm như tiêu "ở truồng"

Hạt tiêu Ba Lế có phần thịt dày và hạt nhỏ hơn hơn các loại tiêu trồng bình thường. Còn mùi vị cũng khác biệt hẳn: Cay và rất thơm nhưng không nồng xé; có vị hơi ngọt. Vì vậy ngoài sử dụng làm gia vị tẩm ướp cho thực phẩm thịt, cá... tiêu Ba Lế còn được người dân ăn sống, giã vào mắm như ớt trái.


Hạt tiêu Ba Lế.

Không dùng trụ gỗ chết hay bê tông, điều đặc biệt ở chỗ 100% cây tiêu "ở truồng" được thả bò trên một số loại cây sống có thân to, chủ yếu là: gòn gai, mít, ké... Cây tiêu Ba Lế có vòng đời từ 20-25 năm. Vụ thu hoạch hàng năm của người dân địa phương diễn ra từ tháng 6-7, với số lượng hạt thu hoạch từ 3-6 kg tươi/cây.

Gọi là trồng, thế nhưng 100% số cây tiêu được cộng đồng người Hre ở Ba Lế để mọc, leo bò và phát triển hoàn toàn tự nhiên mà không có bất kỳ sự chăm bón gì. Do đó ,đại đa số cây tiêu 3-5 tuổi ở đây bị trụi đoạn phần gốc đến 1-2m, cho nên một số người còn gọi tên tiêu "ở truồng" là vậy.


Một cây tiêu được thả bò tự nhiên trên thân cây gòn gai sống.


Với đoạn gốc bị trụi nhiều mét nên người dân còn gọi nó là tiêu "ở truồng".

Ông Phạm Văn Biu (50 tuổi, ở thôn Gọi Lế) kể: Vào những năm 80-90 thì gần như gia đình nào ở đây cũng có tiêu mọc trong vườn nhà, trên nương. Cứ mỗi lần xuống trung tâm huyện là thị trấn Ba Tơ, người dân thường mang theo 1-2 kg tiêu tươi, hoặc khô là thừa tiền mua gạo, thực phẩm.


Ông Lê Thanh Lực - Phó trạm Khuyến nông Ba Tơ (đứng ngoài) đang hướng dẫn cách bảo tồn giống tiêu bản địa.

Tuy nhiên mười mấy năm trở lại đây, khi cây nguyên liệu bạch đàn, rồi keo có giá, người dân bắt đầu phá bỏ tiêu để lấy đất trồng loại cây này. Dẫn đến số lượng cây tiêu tụt giảm "không phanh", ước toàn xã chỉ còn vài trăm gốc.

Cho nên hiện dù nhiều người biết tiếng đặt mua hạt tiêu tươi với giá 300-350.000 đồng/kg cũng không có. Già Phạm Văn Rin (62 tuổi) lắc đầu: "Bà con ở đây nhiều nhà không có để mà ăn thì lấy đâu ra bán".


Người dân Ba Lế với số hạt tiêu khô giống bản địa của mình.

Không ai ở huyện Ba Tơ biết chính xác cây tiêu bản địa của Ba Lế có nguồn gốc ở đâu và được trồng từ bao giờ, nhưng theo lời các già làng nơi đây thì từ thời ông, cha của họ kể lại là đã thấy trồng loại tiêu "ở truồng" này rồi.

Điều khá lạ là giống tiêu Ba Lế nếu đem trồng ở các vùng lân cận trong cùng huyện rất khó sống, hoặc nếu phát triển thì hạt rất ít và chất lượng cũng không bằng so với tại vùng đất Ba Lế.

Vì vậy hiện chính quyền huyện Ba Tơ đã triển khai đề án bảo tồn và phát triển nhân rộng lại loại tiêu bản địa quý này ngay tại vùng đất Ba Lế.  

Theo CÔNG XUÂN / DÂN VIỆT

Các tin khác