Đu đủ xen đậu tương.

Ông Phùng Minh Chiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, toàn huyện có khoảng 1.300 ha đất bãi, trong đó 350 ha trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao; 230 ha trồng chuối; 300 ha trồng rau các loại. Phần diện tích còn lại được nông dân canh tác các loại cây trồng chính là ngô, đậu, lạc…

Tuy nhiên, những cây trồng này hiệu quả kinh tế không cao. Xuất phát từ mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây có giá trị kinh tế cao ra vùng đất bãi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất để tăng thu nhập cho nông dân, Phòng Kinh tế đã tham mưu và đề xuất UBND huyện Mê Linh đồng ý thực hiện mô hình trồng đu đủ xen đậu tương trên đất bãi với quy mô 2 ha, tại xã Chu Phan. Trồng đu đủ xen cây đậu tương vừa góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất vừa tăng thu nhập cho người dân.

Cây đậu tương có khả năng cố định Nitơ ngoài không khí thành đạm sinh học cung cấp cho đất, thân cây là nguồn phân xanh để cải tạo đất vườn đu đủ rất tốt nên có thể cải tạo, giảm được lượng phân bón. Giai đoạn đầu khi cây đu đủ còn nhỏ, diện tích đất trồng còn nhiều nên việc trồng xen cây đậu tương vào giúp tận dụng được đất, tăng thêm nguồn thu cho người nông dân. Phụ phẩm của cây đậu tương giúp cải tạo vườn đu đủ.


Mô hình trồng đu đủ xen đậu tương tại xã Chu Phan, huyện Mê Linh (Hà Nội)

Người nông dân trồng cây đu đủ cho thu nhập cao hơn so với tập quán trồng một số cây ngô, đậu, lạc, khoai lang truyền thống. Đến thời điểm này đậu tương đã cho thu hoạch, năng suất đạt được 20 tạ/ha, cho lợi nhuận khoảng 2,7 triệu đồng/ha. Từ những kết quả ban đầu, ông Phùng Minh Chiến cho rằng, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng cây ngắn ngày (đậu tương, lạc, khoai lang…), là cơ sở để khai thác tốt điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của huyện.

Thông qua mô hình, hình thành vùng SX cây ăn quả chất lượng cao, tạo ra hàng hóa có hiệu quả kinh tế của huyện, có tính cạnh tranh trên thị trường. Từ đây, dần hình thành chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng SX hàng hóa. “Mô hình phát triển và nhân rộng sẽ là biện pháp tích cực góp phần điều tiết lao động, tăng thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, an ninh xã hội cho địa phương, phát triển nông dân, nông thôn theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước”, ông Phùng Minh Chiến nói.

Ông Nguyễn Văn Nhập (xã Chu Phan), hộ dân tham gia mô hình cũng phấn khởi chia sẻ, khi cây đu đủ còn nhỏ thì trồng xen đậu tương vào theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật góp phần tận dụng đất, tăng thêm thu nhập. Đến nay, đu đủ chưa cho thu hoạch nhưng trước sự phát triển của cây, ông Nhập tin rằng hiệu quả kinh tế không phụ công người chăm bón. Cây đu đủ sinh trưởng, phát triển khỏe trên đất bãi, cây ít sâu bệnh, ra hoa cho quả sớm sau trồng khoảng 3 tháng cây đã bắt đầu cho quả.

Đây là một tiến bộ kỹ thuật mới, thông qua mô hình sẽ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cho cả cán bộ kỹ thuật và nông dân trong việc trồng, chăm sóc cây đu đủ. Thực hiện mô hình có thể phổ biến kiến thức cho nông dân khác về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đu đủ để nông dân tại xã khác học tập và nhân rộng trên địa bàn huyện. Từ thành công bước đầu ở Chu Phan, mong rằng mô hình này, cũng như những mô hình hiệu quả khác, sẽ được UBND huyện Mê Linh áp dụng nhân rộng ra các xã khác.

“Khi tham gia mô hình người dân được UBND huyện hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư. Chúng tôi lựa chọn giống đu đủ Hồng Phi của Đài Loan và đậu tương ĐT84 vì đây là giống có khả năng thích nghi với điều kiện ngoại cảnh tốt, cây phát triển khỏe, ít sâu bệnh, cho quả sớm và khả năng đậu quả cao. Cho đến thời điểm này đậu tương đã được thu hoạch đạt khoảng 20 tạ/ha. Cây đủ đủ cho trái xanh, mỗi cây đậu từ 30-35 quả, cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. Theo dự kiến mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đạt khoảng 400 triệu/ha”, ông Phùng Minh Chiến cho biết.

Theo NNVN

Các tin khác