Học để cây lúa, cây ngô thêm năng suất

Niềm vui cuối năm

Ngày cuối năm đến với huyện Trạm Tấu, bà con người Mông, người Thái đang tất bật chuẩn bị đón năm mới. Mỗi năm qua đi, cuộc sống của người dân nơi đây lại càng khấm khá hơn. Bên bếp lửa hồng, anh Giàng A Dó, ở xã Trạm Tấu phấn khởi khoe: Nhờ được đi học lớp dạy nghề về chăn nuôi thú y mà tôi mới mạnh dạn vay vốn để làm trang trại chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà. 2 năm nay, trong chuồng nhà tôi lúc nào cũng có 5 – 10 con lợn, gà hơn 100 con. Có tiền cho con đi học, cuối năm có lợn, gà để ăn tết.


Nhờ tham gia lớp học nghề trồng lúa, anh Hoàng Văn Xuân, thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã biết lấy bạt che gió cho mạ non. Ảnh:S.N

Giống như anh Dó, anh Hờ A Cáo, xã Xà Hồ cũng tham gia lớp dạy nghề trồng trọt, chăm sóc lúa, ngô. “Ở vùng cao này, từ trước đến giờ, chúng tôi chỉ trồng lúa một vụ, theo kinh nghiệm cha ông truyền lại. Thời tiết lại khắc nghiệt, thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Cứ tới giáp tết đã thấy đói lay lắt, phải nhờ hỗ trợ của Nhà nước.

Từ khi huyện có chủ trương chuyển đổi sang sản xuất 2 vụ, dùng giống lúa ngắn ngày, chúng tôi cũng bỡ ngỡ lắm. Hồi đấy cán bộ bảo ngâm thóc giống theo phương pháp 3 sôi-2 lạnh. Tôi cũng làm theo về đổ nước sôi trước rồi mới tới nước lạnh. Đến lúc làm xong mới nhận ra là thóc chín hết cả rồi. Giờ thì không thế nữa rồi” – anh Cáo cười xoà bảo.

Trong năm 2015, hội ND huyện Trạm Tấu đã phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức 58 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 2.500 lượt hội viên, nông dân và mở 20 lớp dạy nghề cho gần 600 lượt học viên.

Ở Trạm Tấu bây giờ, những cánh đồng một vụ đã được thay bằng 2 vụ, thậm chí ở một số nơi, ngoài 2 vụ chính, người dân làm thêm vụ màu. Những diện tích lúa nương kém hiệu quả, bà con chuyển sang trồng ngô lai.

Dạy nghề nông dân cần

Theo ông Sùng A Vang - Chủ tịch Hội ND huyện Trạm Tấu, từ khi huyện có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hội ND huyện cũng đã chủ động mở rất nhiều lớp dạy nghề chăm sóc lúa, ngô, chăn nuôi, thú y theo Đề án dạy nghề 1956. Mỗi lớp học đều có trên 30 học viên, được giảng dạy trực tiếp tại thực địa.

“Trước đây bà con chủ yếu trồng lúa một vụ, chăn nuôi cũng chỉ có 1 – 2 con cả năm, để dành ăn tết chứ chưa nghĩ đến trồng trọt theo hàng hoá. Khi có chuyển đổi, bà con cũng chưa thể bắt kịp ngay được. Chúng tôi chủ động mở các lớp dạy nghề, dạy bà con ngay trên đồng ruộng. Hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn một, giáo viên làm trước, học viên nhìn học làm theo.

Đến nay nhiều hộ đã biết sử dụng phân bón như thế nào, bón vào lúc nào, dùng bạt để che chắn gió cho mạ non… Bà con cũng không thả rông gia súc mà tập trung làm chuồng trại, mùa đông biết trữ thức ăn và tránh rét cho gia súc” – ông Vang cho hay.

Kể từ khi chuyển đổi sản xuất sang 2 vụ, trồng các giống lúa lai, năng suất vụ lúa mùa đạt 48–49 tạ/ha, lúa đông xuân cũng được 35–36 tạ/ha. Trồng các giống ngô lai năng suất cao, bà con người Mông, người Thái ở Trạm Tấu đã không còn lo vấn đề lương thực. Ai cũng muốn tăng gia sản xuất, mở rộng thêm mùa vụ, diện tích để làm giàu.

Ông Sùng A Vang cho hay: Trước chúng tôi cũng mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp như xây dựng, gò hàn nhưng học ra không áp dụng được mấy. Do vậy mấy năm gần đây chúng tôi tập trung vào các lớp dạy nghề nông nghiệp, hỗ trợ những kỹ thuật mà người dân vẫn còn đang thiếu. Từ một hộ được kỹ thuật bài bản, các hộ khác cũng học để làm theo. 

Theo SAN NGUYỄN/ DÂN VIỆT

Các tin khác