Độc đáo thả bóng bắt mực, cá

Nhiều ngư dân khi được hỏi đều lắc đầu bày tỏ: "Không biết chính xác vì sao dụng cụ này có tên gọi là bóng". Tuy nhiên theo họ có thể do một bên được che kín bằng lá đã tạo thành bóng râm nên mực, cá thấy có thể trú ngụ được và tìm cách chui vào nên mới được gọi như vậy.


Bóng - dụng cụ đánh bắt được thiết kế khá đặc biệt, lạ mắt

Qua quan sát thì bóng được làm bằng nan tre chẻ thành sợi nhỏ như thân que nhang và đan lại, với mắt chừa to cỡ 3 ngón tay. Bóng có chiều dài khoảng 80 cm, chiều rộng nơi to nhất khoảng 80cm và bề ngang chừng 20cm.


Ngư dân Quảng Ngãi dùng dụng cụ này để bắt mực, cá

Phía trên một đầu (phần to) có chừa lỗ hom giống như miệng lờ, hay miệng đụt... để mực chui vào nhưng không thể ra được. Và một bên bóng được người dân dùng lá đùng đình buộc che lại để tạo bóng.


Một ngư dân đan bóng để thả


Lỗ hom chừa để mực, cá chui vào nhưng không thể chui ra được

Việc đánh bắt cá, mực bằng hình thức này của ngư dân Quảng Ngãi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9. Vị trí thả bóng nằm cách bờ khoảng 3-5 hải lý, có mực nước sâu từ 15-20m, với số lượng bóng thả tùy theo nhưng thường từ 40-60 cái/người.

Theo đó sau khi thả xong, cứ tầm 5-6 giờ sáng hàng ngày, ngư dân lại chèo ghe hay chạy xuồng máy ra kéo lên để trút mực cá chui vào bóng trước đó và đến hôm sau lại ra kiểm tra.


Dùng lá để che một bên để tạo bóng

Lão ngư Phan Lộc (67 tuổi, ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) bày tỏ: "Loại hải sản đánh bắt được bằng bóng chủ yếu là mực ống, cá hồng... tùy theo vị trí và "hên xui" mà số lượng mực, cá thu về mỗi ngày khác nhau".

Với số bóng thả từ 40-60 cái/người, thì lượng mực, cá thu về mỗi ngày cũng được từ 3-7 kg/người; tương ứng với số tiền bán được khoảng 400.000 đồng. 

Theo CÔNG XUÂN/ DÂN VIỆT

Các tin khác