Thay đổi tập quán sạ dày

Trong quá trình canh tác phải sử dụng lượng lớn thuốc BVTV, phân bón, khiến chi phí SX tăng cao. Hiệu quả kép của mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong SX lúa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ thực hiện tại Phú Yên trong vụ HT 2016 đã làm thay đổi tập quán thói quen sạ mật độ dày của bà con.

Ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải NTB cho biết, mô hình được thực hiện tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) với diện tích 15ha. Mật độ gieo sạ trong mô hình là 80kg giống/ha (4 kg/sào 500m2), giảm 40 - 50% lượng giống so với trước đây.

Theo ông Cường, làm đất và vệ sinh đồng ruộng là khâu quan trọng khi áp dụng giảm mật độ gieo sạ. Trước khi gieo sạ ruộng phải được dọn sạch cỏ dại cùng tàn dư sâu bệnh và cày đất phơi ải. Đây là biện pháp kỹ thuật giúp cho lúa phát triển tốt, đồng thời tránh ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở giai đoạn sau, góp phần làm ổn định năng suất. Sau đó ruộng được bừa, trục và đánh bùn nhuyễn, mặt ruộng được làm bằng phẳng, đánh đường nước kỹ để hạn chế nước đọng trên mặt ruộng sau khi sạ.

Đây là điều kiện để hạt giống mọc tốt ngay từ đầu, tránh thất thoát, hư hỏng nhằm bảo đảm tỷ lệ mọc mầm cao; đây cũng là điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm và áp dụng kỹ thuật rút nước cho cây lúa trong các giai đoạn sau này. Song song với giảm lượng giống gieo sạ, mô hình còn áp dụng biện pháp quản lý nước chặt chẽ trong quá trình tưới lúa nên giảm thiểu được lượng nước tưới đáng kể.


Tham quan mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong SX lúa tại huyện Phú Hòa, Phú Yên

Ông Đặng Minh Nghĩa, Chủ nhiệm HTXNN Tây Hòa An (xã Hòa An) bộc bạch: “Hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống ĐV108 và 30% thuốc BVTV. Trước giờ nông dân ở đây quen gieo sạ mật độ dày, từ 140 - 160 kg/ha, bây giờ giảm chỉ còn 80kg/ha nên khi bắt tay vào làm bà con khá lúng túng. Nhưng nhờ trước khi vào vụ, nông dân tham gia mô hình được cán bộ của Viện KHKT nông nghiệp duyên hải NTB tập huấn kỹ thuật kỹ lưỡng nên mô hình được triển khai suôn sẻ”.

Theo dõi đồng ruộng suốt quá trình SX, ông Nghĩa cho biết thêm: Chiều dài bông của ruộng gieo sạ 80 kg/ha có chiều dài bông lớn hơn so với mật độ sạ dày đại trà; trong đó, mật độ gieo sạ 80 kg/ha có chiều dài bông trung bình đạt 24cm, cao hơn 2cm so đối chứng (22cm). Những diện tích ruộng trong mô hình với mật độ gieo sạ giảm cùng với chế độ bón phân cân đối nên cây lúa ít đổ ngã hơn so với ruộng đại trà chung quanh.

Ruộng có lượng gieo sạ thích hợp (80 kg/ha) không những cây lúa sinh trưởng phát triển tốt mà còn hạn chế được các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh, đặc biệt là bệnh thối thân, thối bẹ, sâu cuốn lá và rầy nâu. “Gieo sạ mật độ hợp lý cây lúa phát huy hết các yếu tố cấu thành năng suất như hạt chắc/bông nhiều hơn, tỷ lệ lép ít hơn, do đó ruộng trong mô hình dù lượng giống gieo sạ ít hơn, nhưng năng suất cho cao hơn những diện tích gieo sạ mật độ dày. Vụ HT 2016 này dù phải đối mặt với nắng hạn kéo dài nhưng năng suất lúa ĐV108 của ruộng trong mô hình đạt được hơn 71,1 tạ/ha, trong khi ruộng ngoài mô hình chỉ đạt 69 tạ/ha”, ông Nghĩa nói.

Theo tính toán của ông Nghĩa, ruộng trong mô hình cho lãi ròng đạt hơn 24 triệu đồng/ha, cao hơn 4,5 triệu đồng/ha (khoảng 23%) so với ruộng SX đại trà nhờ năng suất cao hơn và đặc biệt là giảm tối đa chi phí đầu vào. “Mô hình cho thấy vừa giảm chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV, nâng cao hiệu quả SX lại vừa SX an toàn nên nông dân rất hưởng ứng”, ông Nghĩa cho biết thêm. Ông Hồ Huy Cường chia sẻ, áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến sẽ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ được sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra còn nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng hạt giống có phẩm cấp vào sản xuất đại trà, nhằm tăng năng suất và sản lượng lúa, tăng thu nhập cho người SX thay cho thói quen lâu nay vẫn dùng thóc lương thực để làm giống với lượng lớn. "Đây là mô hình đầu tiên thực hiện tại tỉnh Phú Yên, với kết quả đạt được, Viện đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai, nhân rộng nhiều mô hình tương tự nhằm giúp nông dân Phú Yên nói riêng và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm làm tăng hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống”, ông Hồ Huy Cường.

Theo VŨ ĐÌNH THUNG/ NNVN

Các tin khác