Có doanh thu "khủng" nhờ nuôi gà đồi


Trang trại gà của anh Bính với hơn 10.000 con gà

Với ý chí tự lập vươn lên làm giàu từ vườn đồi, tháng 6.2011, anh Trần Trọng Bính (sinh năm 1980) ở xã Thuận Sơn, Đô Lương, Nghệ An làm trang trại trồng tràm, nuôi lợn để tăng thu nhập. Tuy nhiên, do xa trung tâm nên điện rất yếu, nước không có, anh lại quyết định chuyển sang thả gà vườn đồi.

Vay mượn được anh em 150 triệu đồng, anh Bính xây dựng chuồng trại và đầu tư con giống. Lứa đầu tiên anh Bính thả 500 con gà. Gà được nuôi cách biệt khu dân cư, cách ly được dịch bệnh, lại được thả rông trên đồi nên chất lượng thịt thơm ngon, khách hàng tìm đến ngày một đông. Anh quyết định vay mượn thêm ngân hàng 150 triệu đồng và được hỗ trợ từ hội nông dân huyện 20 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại và nhân giống gà. Anh còn mày mò, học hỏi về cách chăm sóc chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh để đàn gà phát triển an toàn.

Sau 5 năm nuôi gà, đến nay, trang trại rộng 6 ha của anh Bính đã có hơn 10 nghìn con gà các loại, chủ yếu cung cấp gà thịt cho đám cưới, nhà hàng.... Trung bình mỗi ngày anh Bính có thể xuất được 2 đến 3 tạ gà. Doanh thu ước tính mỗi năm từ 3-4 tỷ đồng; trừ chi phí, thu lãi ròng từ 700 đến 800 triệu đồng/năm. Trang trại tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên, mỗi tháng 3 triệu đồng/người.


Gà được bán với giá 70 -80.000 đồng/ kg.

Anh Bính cho biết: “Gà thả đồi đòi hỏi diện tích phải rộng, mật độ ít nhất 1m2/con. Chuồng gà luôn đảm bảo thông thoáng, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, có thiết bị ủ ấm mùa đông, làm mát mùa hè. Từ 2 tháng đầu cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, từ tháng thứ 3 trở đi, gà được anh cho ăn thêm ngô lúa. Ngoài ra, gà thả đồi sẽ tự tìm thức ăn thiên nhiên từ giun, dế...”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Sơn cho biết: “Trang trại của anh Bính là một mô hình hiệu quả cho thu nhập cao của xã Thuận Sơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình và tạo điều kiện tham quan học hỏi cho các hội viên hội nông dân khác trên địa bàn”.

Theo Thuý Hằng (Báo Nghệ An) 

Các tin khác