Trồng lan mokara cắt cành

Khi biết chính sách hỗ trợ đất trong dự án quy hoạch công viên nhưng chưa triển khai cho nông dân có những dự án trồng hoa, cây kiểng, Lê Thành Trung (34 tuổi, trú Q.Cẩm Lệ) quyết định xây dựng dự án trồng lan mokara cắt cành để trình chính quyền địa phương xin mượn đất. Sau đó, Trung gom góp toàn bộ tiền bạc mà mình tích cóp được, cộng với tiền vay mượn của bà con, bạn bè, quyết định “làm một cú thay đổi ngoạn mục”.

Anh vào Củ Chi (TP.HCM) học hỏi kinh nghiệm trồng hoa lan mokara cắt cành từ người bạn. Sau khi tích lũy kinh nghiệm kỹ càng, tìm hiểu những thông tin trên mạng, Trung về P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) xây dựng hệ thống vườn lan, hệ thống tưới tự động, giàn mái che… và nhập giống về, với tổng tiền vốn ban đầu bỏ ra hơn 500 triệu đồng. “Lúc ấy mình cũng run lắm. Được ăn cả, ngã về không. Nhưng mình nghĩ với sự tỉ mỉ, cẩn trọng của mình thì công việc của nhà nông sẽ không mấy khó khăn”, Trung kể lại.


Lê Thành Trung trong vườn lan mokara bạc tỉ

Sau gần 1 năm triển khai, vườn lan mokara của Trung phát triển lên 4.000 cây, trong đó 1.500 cây đã cho thu hoạch. Mỗi tháng, cây cho 2 lứa hoa, bình quân mỗi bông 10.000 - 15.000 đồng tùy thời điểm. Cây hoa có tuổi đời đến 15 năm nên chỉ tốn kém đầu tư ban đầu.

Hoa trổ bông tốt, đầu ra cũng khá ổn định khi nhanh chóng chiếm được cảm tình của thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam. “Do hoa của tôi không đóng lạnh nên thời gian tươi lâu, có khi lên đến hơn 2 tháng mới tàn, nên rất được ưa chuộng. Hoa cắt ra các shop hoa tươi, khách sạn, resort lấy ngay không bao giờ tồn hàng”, Trung chia sẻ và nhẩm tính: “Như vậy mỗi tháng bình quân thu nhập của tôi là 30 - 40 triệu đồng. Nếu 4.000 cây cùng đến kỳ thu hoạch thì số tiền thu nhập hằng tháng có thể từ 80 - 100 triệu đồng. Vị chi một năm khoảng 1 tỉ đồng”.

Trung cho biết bí quyết để trồng hoa lan mokara cắt cành phải hết sức kỹ lưỡng. Vườn lan từ lối đi cho đến gốc cây không được có lá vàng, gốc gãy hay rác, bởi độ ẩm sẽ gây nấm và lây lan cho cây. Giữ nấm cho cây là vô cùng quan trọng, mỗi 10 ngày phải phun thuốc diệt nấm và nếu phát hiện cây có nấm là lập tức phun thuốc diệt nấm liều mạnh, thời gian phun thuốc ngắn hơn. Kỹ thuật bón phân cũng phải thích hợp. Giai đoạn đầu phân có tỷ lệ đạm cao hơn lân, kali để kích thích rễ phát triển; nhưng giai đoạn sau thì ngược lại.

Lan mokara cũng chỉ ưng phân sinh học, thuốc diệt nấm sinh học; không thích ứng với phân, thuốc hóa học. Bên cạnh đó, cây lan mokara chịu ẩm nhưng không chịu nước. Vì vậy, khi lập luống trồng hoa phải để ý việc thoát nước tốt, trời mưa cũng không để nước đọng lại dễ gây nấm. “Lan mokara ưa sáng, không chịu lạnh nên nếu nhiệt độ xuống dưới 18 độ C phải lập tức chiếu đèn. Ngay cả việc cắt hoa cũng phải có cách thức cắt. Khi cắt luôn có cồn 90 độ để sát khuẩn kéo cắt. Cứ cắt một bông là lập tức sát khuẩn kéo để cắt bông khác, không để việc cây này bị nấm mà không phát hiện sẽ nhanh chóng lây cho cây khác, dễ gây nguy hại đến cả vườn lan”, Trung chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Hồ Đắc Lành, Chủ tịch Hội Nông dân P.Hòa Xuân, cho biết nhận định mô hình trồng lan mokara cắt cành của anh Trung thực sự đã mang đến một bước đổi thay mới cho nông dân vùng Hòa Xuân. “Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trồng hoa, cây cảnh trong dân để giúp đỡ, hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp có điều kiện sản xuất, tiếp tục công việc của mình theo hướng phát triển khác!”, anh Lành nói.

Mọi chi tiết về kinh nghiệm trồng lan mokara cắt cành, bạn đọc có thể liên lạc với Lê Thành Trung, tổ 24, P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng; điện thoại 0905629339.

Theo Diệu Hiền / Thanh Niên

Các tin khác