Tận dụng lối đi rộng 8m2 nuôi cá kiểng, nông dân phố thu nhập khá

Cá kiểng đang là một trong những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân TP.HCM. Chỉ cần vài chục mét vuông nuôi cá cảnh và không quá tốn công sức, nhiều nông dân vẫn có thu nhập khá...

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện thành phố có gần 300 cơ sở sản xuất cá cảnh, chủ yếu ở các quận, huyện: 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, trong đó khoảng ½ là những cơ sở sản xuất diện tích chỉ 20 – 100m2/cơ sở.

Phù hợp với nông dân đô thị


Cá kiểng được xác định là một trong những lĩnh vực nông nghiệp đô thị quan trọng của TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Vừa qua Bộ NNPTNT đã có công văn gửi lãnh đạo TP.HCM về việc giải quyết thủ tục xuất khẩu cá kiểng của các doanh nghiệp tại thành phố. Trong đó, Bộ NNPTNT nhấn mạnh việc đề nghị các cơ quan chuyên trách của thành phố chỉ đạo các cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh có nhu cầu xuất khẩu cá kiểng nhanh chóng xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh. Riêng cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cần duy trì giám sát, đảm bảo không có dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới.

Chỉ với lối đi cuối nhà ngang 1,5m, dài 5m, anh Phạm Thanh Tòng (phường Phước Long A, quận 9) đã che chắn thành khu nuôi cá đĩa với 20 hồ kiếng. Anh Tòng cho biết, anh đã nuôi cá đĩa hơn chục năm nay. Lúc đầu nuôi để chơi, lần hồi thấy cá đĩa có giá trị kinh tế cao anh đã chuyển sang nuôi kinh doanh.

Ngoài khu nuôi cá đĩa vừa cơi nới, anh còn khu nuôi cá đĩa rộng để nhân giống cá bột và sản xuất cá thương phẩm. Trung bình, mỗi tháng anh Tòng thu lợi nhuận từ cá đĩa hơn chục triệu đồng.

“Nuôi cá kiểng trong nội thành chủ yếu tận dụng diện tích dư thừa và tranh thủ lúc nhàn rỗi. Mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 3 giờ chăm sóc, cho cá ăn, cho nên so với các loại nuôi trồng khác, giá trị kinh tế nuôi cá đĩa tốt hơn nhiều” - anh Tòng cho hay.

Cách đó không xa, ông Lê Văn Ước cũng đã cơi nới khu nhà bếp thành khu nuôi cá đĩa rộng 30m2. Chục năm trước, khi về hưu ông Ước đã chọn nghề nuôi cá kiểng để vừa tránh nhàn rỗi vừa tranh thủ kiếm thêm thu nhập. “Thu nhập mỗi tháng từ nuôi cá đĩa và lương hưu tôi sống khỏe”- ông Ước thổ lộ.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân quận 9, hiện nay ở quận có khoảng 10 hộ nông dân nuôi cá kiểng với diện tích vài chục m2/hộ. Trong đề án “Đúc kết các đặc điểm sản xuất quy mô nông hộ nhỏ cho ngành cá cảnh TP.HCM, 4.2014”, thạc sĩ Nguyễn Thị Gái Nhỏ (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, quy mô sản xuất nhỏ (20 – 100m2) cho nông hộ là mô hình được nhiều nông dân nuôi cá kiểng thực hiện. Mặc dù lợi nhuận mang lại không lớn lắm, nhưng đã góp phần tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống, tạo việc làm ổn định cho nông dân đô thị. Thành phố nên áp dụng mô hình nông nghiệp này, bởi vốn đầu tư thấp, trang thiết bị và tiêu chí quy trình nuôi đơn giản, con giống đa dạng, sản phẩm dễ tiêu thụ trong và ngoài nước.

Lo con cá kiểng an toàn dịch bệnh


Tận dụng lối đi rộng 8m2, anh Phạm Thanh Tòng (P.Phước Long A, Q.9) đã xây dựng thành khu nuôi cá đĩa với 20 hồ kiếng.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2016, sản xuất cá kiểng trên địa bàn thành phố đạt 87 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Số lượng cá kiểng xuất khẩu là 12.600.000 con, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Đối tượng xuất khẩu chủ yếu: Cá neon, moly, bình tích, trân châu, 7 màu, cá xiêm, cá dĩa. Có 10 công ty và trại cá kiểng tham gia xuất khẩu thường xuyên. Thị trường xuất khẩu cá kiểng gồm 47 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 60 - 70%, như: Đức, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc…

Mặc dù thị trường xuất khẩu cá kiểng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng thực tế vẫn còn một số khó khăn do cả các yếu tố khách quan, như: Những nước nhập khẩu yêu cầu thủy sản sống phải xuất phát từ cơ sở, vùng nuôi hoặc quốc gia an toàn về dịch bệnh theo đánh giá Tổ chức Thú y thế giới, không có mầm bệnh là virus SVC và KHV… Yếu tố chủ quan là TP.HCM chưa có quy trình nuôi cá kiểng an toàn dịch bệnh để phổ biến cho các hộ sản xuất.

Anh Nguyễn Trọng Tài – một thương lái mua cá kiểng xuất khẩu ở thành phố cho biết, nhiều hộ nuôi cá kiểng “rất lơ mơ” về quy trình nuôi cá kiểng an toàn dịch bệnh. “Họ cứ lấy nước ao, hồ nuôi mà ít khi xử lý nước. Khi cá bệnh lại dùng kháng sinh nhiều. Mỗi khi tôi mua cá về phải mất nhiều ngày để xử lý cho cá sạch mới đóng gói xuất khẩu” - anh Tài cho biết.

Theo ông Tống Châu, một nghệ nhân nuôi cá kiểng lâu năm, để phát triển ngành cá kiểng, không chỉ người nuôi mà những hộ, cơ sở sản xuất cá cũng cần có những thông tin về sinh thái, cách nuôi, phòng bệnh cho những loài cá kiểng trên thị trường. Thành phố cần có một trung tâm thông tin chính thống về cá kiểng để người nuôi, người sản xuất có thể tham khảo về kỹ thuật.

Trong khi đó, Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân TP.HCM - ông Nguyễn Văn Tủi cho rằng, thành phố phải sớm ban hành quy trình nuôi cá kiểng an toàn dịch bệnh đủ điều kiện xuất khẩu. “Quy trình sản xuất cá kiểng sạch hiện của thành phố chưa có. Chúng tôi chưa biết phải vận động nông dân sản xuất theo hướng này ra sao” - ông Tủi lý giải.  

Theo TRẦN ĐÁNG/ DÂN VIỆT

Các tin khác