Làm cà phê sạch

Năm 2008, khi học ngành tài chính - ngân hàng Trường ĐH Kinh tế Hà Nội được một học kỳ, anh Hoàng Ngọc Trí (ở TT.Đăk Hà, H.Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đành bỏ học vì cho là “không phù hợp”. Sau đó vào năm học 2009 - 2010, anh thi đỗ vào ngành công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội. Mùa hè năm thứ 3 ĐH, Trí về nhà ở TT.Đăk Hà và đi theo những người làm công ra rẫy cà phê để làm cỏ, bón phân. Những tháng ngày đó làm anh lóe lên ý tưởng: xứ mình có không ít người làm giàu từ cây cà phê, sao mình không làm nhỉ? Thế rồi anh ôm ấp kế hoạch xây dựng một thương hiệu cà phê.

“Xây dựng xong kế hoạch thì em cũng nghỉ học. Một buổi tối, em mời ba mẹ nghe em trình bày ý tưởng của mình. Ba em thì cầm tờ giấy ghi kế hoạch chi tiết ấy than trời, còn mẹ thì khóc”, Trí nhớ lại. Thế nhưng, cuối cùng thì ba mẹ của anh cũng đồng ý vay tiền cho con mình làm thương hiệu cà phê. Tuy nhiên, để trải nghiệm với cà phê, vào năm 2013, anh Trí đã cùng người em sắm một chiếc xe lôi, trong đó có máy xay cà phê, chảo rang, ly, bình và cà phê nhân… rồi hằng ngày đi khắp phố phường của TP.Nha Trang (Khánh Hòa) để bán cà phê dạo. Hồi đó, cà phê là từ nhà trồng được, không pha trộn nên tuy ngon nhưng mỗi ngày chỉ bán được 40 - 50 ly, do không có nơi ổn định.


Anh Trí với sản phẩm cà phê của mình

Được mấy tháng bán cà phê xe lôi như thế, anh về lại nhà rồi trao đổi với một người bạn học ngành quản trị kinh doanh về ý tưởng phát triển thương hiệu cà phê mang tên Chậm. Người bạn khuyên anh vào TP.HCM để học chế biến cà phê, còn bạn thì nghiên cứu giúp cách rang cà phê sao cho đạt độ đắng ngon nhất. Sau thời gian trải nghiệm, anh Trí về lại TT.Đăk Hà (thủ phủ cà phê của tỉnh Kon Tum) xây dựng nhà xưởng 100 m2, nhập linh kiện máy rang cà phê từ nước Đức (200 triệu đồng/máy) và mở quán cà phê cùng cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình.

Đầu tháng 6.2015, cà phê của Trí chính thức ra mắt khách hàng ở đường Quang Trung, TT.Đăk Hà. Trí cho hay, những tháng đầu, anh lấy phê nhà trồng để chế biến ra hai dòng: một dòng cà phê bột với 70% là robusta, còn lại là cà phê arabica lấy từ Đà Lạt về rang trộn chung; dòng thứ 2 là cà phê robusta rang xay tại chỗ. Tất cả các sản phẩm cà phê này đều nguyên chất, không pha trộn với bất cứ hương liệu hay bột ngũ cốc nào. Trong suy nghĩ, chàng trai xứ núi muốn mọi người đến với cà phê mình không vội vã mà chầm chậm thưởng thức, giống như lòng chân thành của chủ nhân làm ra sản phẩm này.

Sau thời gian bán ra thị trường, có không ít người ở H.Đăk Hà và ở H.Đăk Tô (địa phương cận kề) đã mở quán bán cà phê và lấy sản phẩm của anh. Đầu năm 2016, anh mở thêm một quán cà phê ở bờ kè đường Bạch Đằng, TP.Kon Tum, mục đích là tiếp cận với thị trường ở đây. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm cà phê bột của anh bán 6 - 7 tạ/tháng ở nhiều thị trường: Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Nam, Kon Tum.

Hỏi về thu nhập, Trí cho hay, lãi từ đầu năm 2016 đến giờ đã tương đối ổn định, hiện đủ trang trải cho 10 anh em lao động và tái đầu tư. Thắc mắc vì sao lại ghi trên bao bì sản phẩm là “Từ từ trong vội vã”?, chàng trai cười hiền lành, giải thích: “Tất cả đều xuất phát từ những trải nghiệm với bạn thân. Đó là câu chuyện dài gắn bó với những người bạn của em trong những tháng năm qua. Nhưng tựu trung, em cho rằng, tình bạn nở hoa tuy chậm mà bền lâu, hơn vội vã mà mau tàn”. Chàng trai 26 tuổi này cũng sẵn sàng chia sẻ và đào tạo miễn phí cách rang, chế biến cà phê với mọi người qua số điện thoại: 0943458282.

Theo Phạm Anh / Thanh Niên

Các tin khác