Bí kíp sản xuất nông sản an toàn bán giá rẻ nhưng vẫn lãi cao


Nông dân thu hoạch rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bắc Giang. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Do vậy, muốn nông sản sạch đến với đông đảo người tiêu dùng ngoài cách canh tác đảm bảo an toàn thì giá cả hợp lý cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Trồng rau sạch bán giá như “rau bẩn” vẫn lãi

Với diện tích hơn 7ha, chị Nguyễn Thị Cương, xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng rau sạch theo mô hình VietGAP. Mặc dù chỉ mới bắt đầu gieo trồng được vài vụ nhưng người nông dân này đã thu được lãi cao trong khi giá bán chỉ tương đương rau bán đại trà ở trên thị trường.

Chia sẻ về “bí kíp” việc sản xuất rau sạch thu lãi cao của mình chị Nguyễn Thị Cương cười tươi cho biết, cách đây khoảng 1 năm, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ (Vinatech) đã về liên kết với nông dân, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật cho bà con về trồng rau VietGAP sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nên năng suất sản phẩm tăng cao hơn hẳn.

“Trước đây, mỗi ha chị phải sử dụng cả phân bón lót, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… tính ra cũng ngót vài triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi được giới thiệu sản phẩm phân bón vi sinh, gần như không cần sử dụng phân hóa học nữa, chi phí các khâu giảm hẳn mà công việc chăm sóc rau lại nhàn hơn, năng suất cao nên tính ra lãi hơn nhiều so với trước,” chị Cương cười tươi nói.

Theo anh Lương Cao Cường - kỹ sư nông nghiệp Công ty Vinatech, thử nghiệm sản phẩm phân vi sinh bón cho rau cho thấy thời gian sinh trưởng của các loại rau củ được rút ngắn nên nhanh cho thu hoạch đồng thời rau có sức đề kháng tốt, hạn chế sâu bệnh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn và có năng suất cao.

Anh Cường dẫn chứng cụ thể, một sào rau cải ngọt đạt năng suất 7-8 tạ, theo giá thị trường ngoài chợ rau cải ngọt có giá rẻ nhất là khoảng 6.000 đồng/kg thì một sào anh thu được 4,2 triệu đồng. Nhân công khoán xong 1 sào đến khi thu hoạch là khoảng 8 công tức là mất 1,2 triệu đồng, cộng 700.000 đồng tiền phân bón vi sinh và giống tổng chi của 1 sào trồng rau cũng chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng vậy tính ra anh còn lãi từ 1-2 triệu đồng/sào.

“Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bán với mức giá rẻ như ‘rau bẩn' nhưng người nông dân vẫn có lãi cao rồi,” anh Cường hài hước nói.

Cũng trong dự án sử dụng thí điểm phân vi sinh sản xuất rau hữu cơ, ông Dương Văn Huấn – Trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ tại thôn Bãi Thượng, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, sản xuất rau hữu cơ rất kỳ công và có yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe, tuy nhiên, khi dùng phân vi sinh thì bà con “nhàn” hẳn.

“Do trồng rau hữu cơ không được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón cho rau chủ yếu là phân động vật ủ hoại mục sau ít nhất 2 - 6 tháng mới được sử dụng nên rất mất thời gian. Còn từ khi được hướng dẫn dung phân bón vi sinh thì người nông dân không phải tự ủ phân nữa, mà chỉ cần hòa phân vi sinh vào nước để tưới. Vừa tiết kiệm công sức, vừa tăng năng suất sản phẩm nên giá trị kinh tế cao hơn,” ông Huấn nói.

Mặt khác, với chính sách bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm, Công ty Vinatech cam kết thu mua và phân phối trực tiếp cho Công ty cổ phần thực phẩm sạch Safelife đồng thời cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn của Nhật nên bà con nông dân không lo lắng về đầu ra.

Cũng mới sử dụng phân vi sinh được một năm nay, nhưng vườn cam Vinh 3,5 ha của ông Trịnh Sư Hòa (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), vụ vừa qua cũng thu hoạch đạt năng suất 35 tấn quả và hình thức quả mọng đẹp hơn so với trước. Còn tại vườn cam đường canh diện tích 2ha sử dụng phân vi sinh cũng đã cho năng suất tăng từ 70 tấn lên 100 tấn trong vụ vừa qua.

“Đây là năng suất hàng đầu trong lứa tuổi của cây. Với tổng diện tích 2 vườn cam Vinh và cam đường canh là 5,5ha đã cho thu khoảng 4,5 tỷ đồng,” ông Hòa phấn khởi chia sẻ.

Hay với diện tích 4 sào trồng bưởi Diễn và bưởi Hoàng, anh Nguyễn Văn Chiến (Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên) cũng được người quen giới thiệu và mạnh dạn đưa vào sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trên diện tích bưởi của gia đình.


Anh Nguyễn Văn Chiểu chăm sóc vườn bưởi chuẩn bị cho thu hoạch. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Sau một năm đưa vào sử dụng, vườn bưởi của anh Chiến cho năng suất cao hơn gấp đôi, quả đẹp mã ngon hơn và ngừa được tình trạng ruồi vàng đục quả so với việc không dùng phân hữu cơ vi sinh. Đặc biệt, công ty Vinatech cũng đã bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm với mức giá 33.000 đồng/quả mua tại vườn (tăng 6.000 đồng/quả so với vụ năm trước).

Phân vi sinh- giải pháp cho nền nông nghiệp sạch

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm nước ta sử dụng tới khoảng 35.000 đến hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Và mỗi năm nông dân sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân vô cơ còn gọi là phân hóa học để bón cho cây trồng.

Đại diện Cục Trồng trọt cũng bày tỏ lo lắng khi, một lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa sau khi sử dụng ngấm vào đất, nước gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Nếu lấy để tưới rau màu hay nuôi trồng thủy sản sẽ làm rau màu bị ô nhiễm, giảm năng suất, thủy sản chết hàng loạt.

Tiến sỹ Hồ Tuyên- Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cho hay, việc bón phân vô cơ trên cây trồng thì cây chỉ hấp thụ được 30%, còn bao nhiêu thì nằm lại trong đất, trong nước khiến đất bị chai cứng. Nguy cơ thấy rõ từ phân bón vô cơ khi chỉ cần vô tình hay hữu ý dùng sai liều lượng, sai phương pháp với thói quen lạm dụng phân bón hóa học của người dân.

Tiến sỹ Hồ Tuyên cho rằng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ vi sinh, với các chế phẩm bổ sung các vi sinh vật, các vi lượng an toàn có lợi cho cây trồng sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất. Không ngạc nhiên khi kết quả cho thất năng suất sẽ tăng thêm 20-30% so với dùng phân vô cơ.

“Có thể khẳng định, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh đồng thời với việc cắt giảm lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, năng suất thu hoạch tăng lên, trái cây thơm ngon, đậm hương vị đặc trưng, màu sắc bóng đẹp chất lượng cao, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là cơ hội để rau quả Việt Nam hướng đến những thị trường khó tính và cũng rất có giá trị như Mỹ, Nhật Bản đồng thời nhắm đến những thị trường rộng lớn hơn, đắt giá hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới,” Tiến sỹ Hồ Tuyên nhấn mạnh.

Tiến sỹ Hồ Tuyên cũng thừa nhận, phân vi sinh không chỉ có tác động lên đất, cây trồng, đem lại chất lượng nông phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá trị cao, người nông dân còn hoàn toàn an tâm về vấn đề sức khỏe khi tiếp xúc trực tiếp với loại phân vi sinh.

“Khái niệm nền nông nghiệp sạch tưởng chừng như rộng lớn nhưng thực chất chỉ cần bắt nguồn từ việc thay đổi tập quán, thói quen có hại, hướng đến những sản phẩm hữu ích thân thiện với môi trường, cây trồng và con người,” Tiến sỹ Hồ Tuyên nói./.

Theo Thanh Tâm (Vietnam+) 

Các tin khác