Nuôi chim yến vùng bãi ngang ven biển xứ Thanh, kiếm bạc tỷ/năm


Mỗi năm gia đình ông Tuấn thu về cả tỷ đồng nhờ nuôi yến

Đặt chân về mảnh đất Quảng Vinh đầy nắng gió, hỏi ông Tuấn “yến” thì từ người già cho đến trẻ nhỏ đều biết. Mọi người vẫn thường ví von, nếu nơi đây được xem là “thủ phủ” nuôi yến xứ Thanh thì ông Tuấn chính là “cụ tổ” của nghề. Không giống như bạn bè đồng trang lứa sớm an phận bám biển mưu sinh, ngay từ ban đầu ông Nguyễn Văn Tuấn đã táo bạo lựa chọn lĩnh vực thương mại dịch vụ vận tải để thử sức mình.

Dù chân ướt chân ráo bước vào nghề, nhưng với đầu óc kinh doanh cực kỳ nhạy bén ông dần khẳng định được chỗ đứng trên thương trường và nhận được sự tin tưởng của đối tác. Vốn là người giàu tham vọng nên ông Tuấn không sớm thỏa mãn với những gì đang có. Sau nhiều lần bàn tới, tính lui, ông quyết định Nam tiến “tầm sư học đạo”, tìm hiểu mô hình nuôi chim yến đang phát triển rầm rộ tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Được tận mắt chứng kiến quy trình nuôi yến tại đây, ông Tuấn thực sự thấy choáng ngợp trước mức độ quy mô và hoành tráng, nó khác xa so với những gì ông vẫn mường tượng trước đó. Đi sâu vào tìm hiểu, ông Tuấn nhận ra rằng, sỡ dĩ người dân Nha Trang “hốt bạc” từ nghề nuôi yến là nhờ vào khí hậu ôn hòa, quanh năm nắng ấm. Vậy theo chiều ngược lại, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rét buốt kéo dài khi đông về, con chim yến rồi sẽ ra sao?

Câu hỏi này ám ảnh ông Tuấn suốt một thời gian dài, thậm chí có lúc ông đã nghĩ đến chuyện sẽ từ bỏ vì tỷ lệ rủi ro quá cao. “Tôi là người đi tiên phong nên cảm giác lúc đó chẳng khác gì đang đánh bạc với ông trời, xác định được thì ăn cả mà ngã thì về không. Cũng may mọi việc thuận buồm xuôi gió, vướng mắc thế nào đều có hướng tháo gỡ”, ông Tuấn hồ hởi cho biết. Năm 2007, khắp vùng bãi ngang Quảng Vinh được một phen bàn tán xôn xao khi thấy ông Tuấn “chơi ngông” bỏ ra hàng trăm triệu đồng lịch kịch đầu tư xây nhà lầu, làm giàn, lắt đặp hệ thống âm thanh để dụ… chim yến.

Thời điểm đó, nhiều người cho rằng đầu óc ông có vấn đề, đang yên đang lành lại rảnh việc làm chuyện không đâu. Đáp lại, ông Tuấn chỉ im lặng. Bởi ông hiểu rằng khi kết quả còn nằm trên giấy thì mọi lời giải thích đều là vô nghĩa. Thay vì cố gắng phân bua, ngày ngày ông tận dụng thời gian gia cố, từng bước hoàn thiện hệ thống chuồng trại. Mọi việc diễn ra tương đối thuận lợi, nhưng đến công đoạn quan trọng nhất là dụ chim vào làm tổ thì không được như ý muốn: “Nếu nghĩ nuôi chim yến đơn giản là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Chim yến vốn là loài nhạy cảm đặc biệt, rất khó tính nên để dụ chúng vào chuồng là cả một quá trình. Nếu người nuôi nóng vội chắc chắn sẽ thất bại”.

Tìm hiểu thêm, ông nhận thấy, bên cạnh yếu tố mùi nhử, độ ẩm, nhiệt độ và môi trường sống thì sóng âm thanh chiếm đến 50% việc dẫn dụ chim yến. Cũng vì lý do này mà phải mất một khoảng thời gian khá dài thử nghiệm, ông Tuấn mới chọn được chế độ âm thanh hoàn hảo nhất dành cho loài chim “kỹ tính”. Cũng từ thời điểm đó lượng chim kéo về làm tổ ngày càng nhiều, đỉnh điểm có lúc lên đến hàng ngàn con.

Cứ độ chiều đến, từng cánh yến thi nhau chao liệng đen kịt cả bầu trời, tiếng chim lanh lách, kèn kẹt như muốn xé toang không gian trầm lắng của vùng đất biển. Đến lúc này, tất cả mới ngớ người ra, từ chỗ chê cười họ chuyển sang khâm phục sát đất.


Nhiều gia đình ở Quảng Vinh đang học tập theo mô hình nuôi yến của ông Tuấn

“Chân ướt chân ráo bước vào nghề, kinh nghiệm thực tế lại không có nên gia đình tôi không nghĩ đến việc chim yến sẽ sớm sinh lãi. Ấy thế mà thắng lợi thật, ngay năm đầu tiên yến đã kết đôi làm tổ dày đặc, nhờ đó vợ chồng tôi thu được một khoản kha khá”, ông Tuấn hồ hởi cho biết. Tín hiệu tích cực bước đầu đã tạo động lực thúc đẩy ông Tuấn tiếp tục đầu tư, nhân rộng quy mô diện tích lên 120m2, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện hệ thống chuồng nuôi theo tiêu chuẩn công nghệ Indonesia nhằm tạo bước đột phá. Sự táo bạo trong cách làm, cách nghĩ của ông đã mang lại thành công mỹ mãn. Hàng năm vợ chồng ông đều đều thu hoạch từ 10 - 15kg tổ yến, đỉnh điểm năm 2013 thu được trên 30kg, với giá bán 30 triệu đồng/kg, năm đó gia đình ông lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Ngót nghét 10 năm gắn bó với nghề, đến nay ông Tuấn đã đúc rút được cho mình cả kho tàng kinh nghiệm quý báu. Theo ông, rào cản lớn nhất đối với nghề nuôi chim yến tại Thanh Hóa chính là thời tiết quá khắc nghiệt, đặc biệt là khung thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 ÂL. "Khảo sát thực tế cho thấy, nhiệt độ lý tưởng để chim phát triển là từ 20 độ C trở lên, vì thế để đối phó với điều kiện lạnh giá trong mùa đông là vấn đề rất nan giải.

Tiết trời thay đổi đột ngột khiến con chim không kịp thích nghi, nếu tình hình kéo dài, kết hợp với trời mưa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiềm kiếm thức ăn của chim, tỷ lệ tử vong sẽ càng tăng cao”, ông Tuấn nói. Để khắc phục, một mặt ông đầu tư 65 triệu đồng lắp lò hơi để giữ ẩm, giữ nhiệt trong nhà nuôi.

Mặt khác, ông đấu mối với Công ty Yến sào Khánh Hòa để học hỏi phương pháp, quy trình tạo thức ăn nhân tạo phòng khi cần đến. "Dùng thau nhựa, bỏ bột tạo côn trùng vào rồi hòa tan với nước, nên bỏ thêm trái cây để kích thích, sau đó đặt ở dưới những lùm cây có nhiều côn trùng sinh sống. Sau 7 - 10 ngày thấy côn trùng đã sinh sản, nhiều ấu trùng ruồi giấm (con dòi) bò trên mặt nước thì chuyển đến khu vực lỗ ra vào hoặc đặt trực tiếp luôn trong chuồng nuôi. Thức ăn nhân tạo không thể thay thế hoàn toàn thức ăn tự nhiên nhưng góp phần quan trọng giúp người nuôi giảm thiểu rủi ro, từng bước cải thiện nguồn thu”, ông Tuấn chia sẻ. Không chỉ là người đi tắt đón đầu, với những gì đã làm được, ông Tuấn xứng đáng là bậc “nghệ nhân” nuôi chim yến giỏi nhất xứ Thanh.

Theo VIỆT KHÁNH/ NNVN

Các tin khác