"Nằm gai nếm mật" sản xuất quýt sạch, nông dân bán giá cao hơn 20%

 
Quýt đường trĩu quả khi vào mùa

Một thời “nằm gai nếm mật”

Ý thức sản xuất nông sản sạch là một xu hướng tất yếu khi Việt Nam tham gia các sân chơi lớn của quốc tế, năm 2014, nhà vườn Tống Văn Phong của xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cùng một số nhà vườn khác ở đây đã rủ nhau “tầm sư học đạo” - học cách sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời điểm đó, khái niệm về sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là một khái niệm vẫn còn khá xa lạ so với số đông người làm vườn ở Lai Vung. Lần đầu tiên một nhóm nhà vườn ở huyện Lai Vung bị cho là có tư tưởng “lập dị”, thoát ra khỏi cách sản xuất truyền thống đi tìm con đường sản xuất khác hơn cho trái quýt đường. Sau hơn 1 năm thay đổi cách làm, chịu khó ghi chép sổ nhật ký sản xuất tỉ mẩn, sau bao lần test đi test lại chất lượng cho trái quýt, hơn 10ha quýt đường đầu tiên của nhóm nông dân này được cấp chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.

Ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới nhớ lại: “Lúc đó, cầm tấm chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP trong tay, anh em ai nấy mừng mừng tủi tủi, bởi bao cố gắng cuối cùng cũng được thừa nhận. Sau khi đạt chứng nhận GlobalGAP, tôi đem sản phẩm của mình đến chào hàng ở nhiều nơi, từ TP.Hồ Chí Minh cho tới thủ đô Hà Nội. Sau khi thưởng thức, phần lớn khách hàng đều nhận định, quýt đường Lai Vung quá ngon và câu chuyện chào hàng chỉ dừng lại như vậy. Bởi thời điểm đó, với người tiêu dùng, quýt đường đạt chuẩn GlobalGAP hay quýt đường trồng bình thường vẫn như nhau, sản phẩm của chúng tôi không được tách bạch rạch ròi với sản phẩm quýt đường truyền thống”.

Sau thời điểm được cấp chứng nhận nhưng sản phẩm quýt đường GlobalGAP vẫn bán đồng giá với sản phẩm thường, đã có một vài nhà vườn nản chí, xin ra khỏi THT vì không chịu được sự “kỳ thị” của các nhà vườn xung quanh.

Câu chuyện về sự khó khăn buổi đầu khi nông sản sạch tiếp cận thị trường của THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới là câu chuyện chung ở nhiều THT, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thời điểm giao thoa giữa “tối và sáng” vẫn chưa rõ ràng, những mô hình đầu tiên luôn vướng nhiều điểm nghẽn. Tuy nhiên nếu bền chí, người nông dân sẽ chinh phục được người tiêu dùng bằng chính cái tâm của mình.

Quả ngọt đầu mùa

Khi những cách làm hay được lan tỏa, những ý tưởng táo bạo được công nhận đó cũng là thời điểm người nông dân được nhận lại “quả ngọt” từ những giọt mồ hôi của chính mình.


Quýt đường GlobalGAP của Lai Vung hiện được doanh nghiệp thu mua với mức giá cao, nông dân rất phấn khởi

Tháng 9/2016, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup chính thức đặt vấn đề liên kết tiêu thụ đối với sản phẩm quýt đường GlobalGAP của THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu vị thế của mặt hàng nông sản thế mạnh của huyện Lai Vung trên thị trường.

Hiện tại, quýt đường GlobalGAP của THT sản xuất quýt đường Vĩnh Thới được Công ty VinEco thu mua với mức giá ổn định và cao hơn khoảng 15 - 20% so với giá thị trường. Trung bình mỗi tháng công ty thu mua trên 30 tấn trái thương phẩm, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Anh Đỗ Hiếu Nghĩa - thành viên THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới phấn khởi: “Trước đây bán bên ngoài giá thường rất bấp bênh, vào vụ thuận, quýt chín đầy vườn, kêu thương lái lại bán nhưng không ai tới mua. Giờ được liên kết với công ty, nỗi lo ngày mùa dội chợ không còn, thay vào đó là mình tập trung đầu tư vào sản xuất hàng hóa đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra để sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường”.

Theo Mỹ Lý (báo Đồng Tháp)

Các tin khác