Mới nghe tưởng khùng: Bỏ nghề "oách" vào núi trồng 5ha chuối Thái Lan


Anh Dương Văn Điện giới thiệu về vườn chuối tây Thái Lan.

Ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn) nhiều người biết Điện Chuối- biệt danh xuất phát từ nghề buôn chuối của anh Dương Văn Điện qua nhiều năm khắp vùng Đông Bắc và Tây Bắc, thạo đường và luôn nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ chuối ở thị trường Trung Quốc. Hàng chục năm qua anh gắn bó với cây chuối Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Hưng Yên, nhận thấy cơ hội làm giàu không khó từ cây chuối.

Năm 2014 gác lại con đường buôn bán, anh quay về Ba Bể với những kinh nghiệm tận mắt thấy, từ những trang trại chuối mà anh đã từng là người tiêu thụ cho họ, hiểu được giá trị của giống chuối tây Thái Lạn. Mặc dù không có đất nhưng với quyết tâm làm giàu từ cây chuối, từ số vốn tích cóp được qua những năm tháng buôn chuối sang Trung Quốc, anh và một người bạn quyết lựa chọn phương án thuê đất để trồng chuối thay vì mua đất để giảm xuất đầu tư.

Những tháng đầu năm 2014 anh đi tìm địa điểm thuê đất trồng chuối, điểm dừng chân là thôn Lủng Điếc xã Bành Trạch (Ba Bể) sau nhiều lần thương lượng cuối cùng anh cũng đã thuê được 5ha đất soi bãi của bà con, một số tiền không nhỏ bỏ ra để thuê đất, 30 triệu đồng/1ha/1năm. Sau khi có đất, mất hàng năm trời san lấp tạo mặt bằng, quy hoạch thành hàng thành lối để tiện chăm sóc, vận chuyển chuối khi được thu hoạch.

Hành trình đi lấy giống về trồng cũng vất vả không kém, với 8.000 gốc chuối giống được mua từ Hưng Yên về Ba Bể, thân chuối dễ dập nát, đưa được chuối giống về là thành công bước đầu.

Đi thăm vườn chuối của anh Điện, tận mắt thấy những buồng chuối, được nghe anh chia sẻ về những kinh nghiệm trồng trọt như kỹ sư nông nghiệp, chúng tôi mới hiểu vì sao một người nông dân không hề qua trường lớp gì mà lại thành công trong nông nghiệp như anh.


Chuối tây Thái Lan từ trang trại của anh Điện được thương lái Thái Nguyên, Hà Nội rất ưa chuộng.

Việc học tập kinh nghiệm của những người trồng chuối đi trước là vô cùng quý giá, ngay từ đầu anh đã áp dụng quy chình chăm sóc đầy đủ, từ cách trồng, loại phân, quy cách hàng cách hàng, và đặc biệt là cây chuối chỉ sau khi trồng khoảng 8 tháng là đẻ nhánh, nên việc chỉ duy trì 1 mẹ 1 con trong 1 gốc chuối là mất rất nhiều công sức.

Sau hơn một năm trồng từ tháng 8/2015 đến đầu năm 2017, những buồng chuối đầu tiên bắt đầu xuất bán. Hàng nghìn buồng chuối được các tư thương từ Thái Nguyên, Hà Nội lên mua. Trong khi giá chuối tây giống địa phương Ba Bể chỉ bán được từ 3-5.000/1kg, những buồng chuối tây của vườn anh vẫn bán từ 10-12.000 đồng /1kg. Thắc mắc sao giá chuối lại chênh nhau xa vậy, anh Điện chia sẻ, chuối tây Thái Lan thơm ngon hơn, quả to đều thị trường ưa thích đặc biệt là Trung Quốc.


Anh Dương Văn Vọng người Mặc áo trắng đến mua chuối giống và học tập cách trồng chuối tây Thái Lan.

Chuối là loại cây dễ trồng, không phải quá kỳ công và tốn kém vốn liếng, thậm chí không cần chăm sóc thì cây vẫn trổ buồng và cho thu hoạch. Ai cũng có thể trồng được chuối. Nhưng để chuối đẹp thì cũng cần phải có kỹ thuật. Do trồng tập trung nên chuối đẹp hơn ở các nơi khác, để có buồng chuối quả to đều đòi hỏi việc chăm sóc, nải chuối càng đẹp, dễ bán, hiệu quả kinh tế vì thế cũng càng cao hơn.

Anh Điện cho biết buồng chuối tại vườn anh bình quân nặng từ 25- 35kg, với giá 10.000 đồng/1kg mỗi buồng chuối có giá trên 300.000 đồng. Với 8.000 cây chuối đang cho thu hoạch, 2 tháng đầu năm anh đã bán ra thị trường khoảng trên 200 tấn chuối tây, thu về món tiền không nhỏ.

Ngoài sản phẩm quả chuối anh đang là nhà cung cấp giống chuối tây Thái Lan duy nhất tại Bắc Kạn với giá 10.000 đồng một cây giống. Tại vườn chuối của anh Điện, chúng tôi gặp anh Dương Văn Vọng xã Khang Ninh (Ba Bể) là người đến mua chuối giống và học cách trồng chuối của anh Điện. Anh Vọng cho biết anh nhận thấy cây chuối hợp đất và đặc biệt giá trị kinh tế cao nên chuyển đổi hơn 2.000m2 đất canh tác sang trồng chuối.

Anh Điện cũng luôn sẵn sàng cung cấp giống cho bà con, chia sẻ những kinh nghiệm trồng chuối, để bà con có cơ hội làm giàu. Anh cho biết, nếu tỉnh có cơ chế dồn điền đổi thửa, thì sẽ giúp cho những người làm nông nghiệp có đủ diện tích đất để mở rộng quy mô phát triển sản xuất hàng hóa, thoát cảnh canh tác manh mún, hình thành vùng chuyên canh./.

Theo Trần Tuyến (Báo Bắc Kạn) 

Các tin khác