Nuôi tôm bằng bột bã mía

Năm 2006, trúng tuyển vào 2 trường ĐH Khoa học tự nhiên và Y Dược TP.HCM, Trần Phúc Hậu chọn ngành bác sĩ đa khoa của ĐH Y Dược. Nhưng được 2 năm, vì lý do thị lực kém, anh bỏ học rồi thi vào ĐH Kinh tế. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, Hậu về quê và công tác tại UBND TT.Bình Đại. Làm được một năm rưỡi, anh lại nghỉ để ra ngoài kinh doanh.

Với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, năm 2014 Hậu thuê mặt bằng để mở cửa hàng kinh doanh thuốc và thức ăn thủy sản tại TT.Bình Đại. Nhưng làm ăn không gặp thời, gặp lúc dịch bệnh phát sinh, anh “ôm nợ” hơn 200 triệu đồng. Từ thực tế kinh doanh, anh thấy việc sử dụng hóa chất để nuôi tôm dễ làm cho đất bạc màu, ảnh hưởng tới môi trường, nên chuyển hướng sang nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía.“

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, tôi tìm mua cái máy xay nhỏ giá 6,5 triệu đồng, rồi thuê người đi mua gom bã mía đem về sản xuất. Quy trình cũng khá đơn giản: bã mía sau khi xay rồi ủ với vi sinh vật trong 72 giờ thì có thể bán cho người nuôi tôm đem về sử dụng. Cứ 1 kg nguyên liệu cho ra 3 kg thành phẩm và giá bán 5.000 đồng/kg thành phẩm. Giá này từ đó đến giờ vẫn không đổi”, Hậu chia sẻ.


Anh Trần Phúc Hậu với chế phẩm sinh học bột bã mía nuôi tôm

Theo Trần Phúc Hậu thì trong quá trình nuôi tôm, nông dân có sử dụng hóa chất để diệt khuẩn dẫn đến đất bị bạc màu. Vì vậy, bột bã mía sẽ cung cấp hệ khoáng và tạo ra vi sinh vật có lợi cho đất. Đất sẽ phục hồi lại độ phì nhiêu, khi đưa nước vào ao sẽ tạo ra tảo giúp cho tôm sinh trưởng tốt. Hậu giải thích: “Trong quá trình nuôi, con tôm sau khi ăn sẽ thải ra lượng thức ăn dư thừa và kết tụ thành lớp cặn bã dưới đáy ao. Lớp cặn bã này sẽ phát sinh khí độc gây hại cho tôm và sẽ là nơi để vi khuẩn có hại sinh sôi. Bột bã mía khi rải xuống sẽ giúp phân hủy lớp cặn bã có hại đó và các vi sinh vật có lợi trong bã mía sẽ lấn át các vi sinh vật có hại”.

Cũng theo Trần Phúc Hậu, trung bình một ao tôm 3.000 m2, mỗi lần sử dụng 30 kg bột bã mía, chi phí 150.000 đồng. Mỗi vụ tôm kéo dài trong 3 tháng, rải khoảng 10 lần, tốn 1,5 triệu đồng, giảm hơn 50% chi phí so với lối nuôi tôm truyền thống. Kinh nghiệm cho thấy, khi tôm bị bệnh, nếu sử dụng hóa chất một lần đã tốn hết 1 triệu đồng. Còn sử dụng bã mía là phòng bệnh cho tôm với chi phí rất thấp, lại ổn định môi trường, làm cho đất màu mỡ hơn.

Đến nay, chỉ riêng ở khu vực nuôi tôm H.Bình Đại, Hậu đã cung ứng sản phẩm cho hàng trăm khách hàng. Đồng thời, sản phẩm của Hậu cũng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL. Hiện mỗi ngày anh bán ra khoảng 400 kg và mỗi tuần xuất đi các tỉnh hơn 2 tấn thành phẩm. Để có nguyên liệu sản xuất ổn định, thay vì thuê người đi mua gom bã mía như lúc đầu, Hậu đã hợp đồng mua bã mía từ Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh.

Hậu cho biết đang ấp ủ ước mơ tạo ra mô hình nuôi tôm toàn bằng thảo dược, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Anh ví dụ những loại cây cỏ như nha đam, chó đẻ, lù đù… đều có thể làm ra chế phẩm phòng và trị bệnh cho tôm. Điều này nhiều người trong giới nuôi tôm biết nhưng ít ai dám bắt tay vào làm. Bên cạnh đó, anh cũng sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất và mô hình nuôi tôm bằng bột bã mía, với mục tiêu vì môi trường và giảm giá thành cho người nuôi tôm. Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với Trần Phúc Hậu qua số điện thoại: 0978691509.

Theo Hoàng Phương / Thanh Niên

Các tin khác