Tuyệt chiêu giăng bắt loài cá có nọc độc mạnh trên sông ở Cà Mau

Ông Nguyễn Văn Sang (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước), cho biết: Nghề giăng câu bắt cá ngát này không khó, tuy nhiên mình phải có kinh nghiệm mới kiếm được nhiều cá. Cá ngát là loài sống ở vùng nước sâu và cũng đào hàng rất sâu, thích ở những nơi nhiều ụ, gốc cây. Phải hiểu đặc tính của nó để tìm được chỗ giăng câu.


Cá ngát vừa được ông Sang bắt được (Ảnh: Chúc Ly)

Cũng theo ông Sang, một dây (diềng) câu tầm khoảng vài trăm mét, và có đến vài trăm lưỡi câu, mỗi lưỡi cách nhau khoảng 1,5m. Lưu ý là cứ khoảng 15 lưỡi câu thì mình cột một cục đá để cố định dây câu, không để nước cuốn trôi đi. Sau khi thả câu khoảng 3 tiếng thì quay lại thăm, khi cuốn dây câu thì lưu ý phải xếp trong 1 cái rổ theo lớp, khi thả chỉ cần dở từng lớp ra, dây không bị rối.

“Đặc biệt, cá ngát là loài có gai nhọn, có nọc độc, khi bị nó đâm rất nhức, có người bị đâm rồi bị hành mấy ngày liền không hết. Nếu người không quen chắc chắn sẽ không dám gỡ cá. Khi cầm con cá trên tay phải có “thế”, cố định đầu cá để không bị nó đâm. Với tôi thì chỉ cần cẩn thận một chút sẽ không sao, tuy vậy vẫn có những lần bị cá đâm. Mỗi kg cá bán ở chợ được khoảng 50.000 đồng, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 4-5kg cá” - ông Sang chia sẻ.


Cá ngát là loài có gai nhọn và nọc độc nên khá nguy hiểm (Ảnh: Chúc Ly)

Ông Sang cho biết: Bắt cá ngát bằng cách giăng câu hạn chế được nguy hiểm, do cá mắc câu mình kiểm soát được. Bên cạnh đó, còn có thêm vợt hỗ trợ và do có nhiều năm kinh nghiệm nên tôi không sợ.


Mỗi ngày ông Sang kiếm được khoảng 4-5kg cá ngát (Ảnh: Ngọc Quyên)

Theo người dân địa phương, cá ngát là loài ăn tạp nên rất dễ kiếm mồi và không tốn nhiều chi phí, thích nhất là ốc bươu vàng và tôm bạc. Cá ngát sau khi bắt sẽ được nhốt trong một cái rộng (dụng cụ dùng để nhốt cá dưới nước) và bỏ dưới sông, không được nhốt trên bờ vì ở nơi nước đứng cá ngát mau chết.

Được biết, cá ngát (tựa cá trê) sống ở những khúc sông sâu. Thời gian trước loài cá có rất nhiều, nên người ta chẳng thèm ăn. Nhưng hiện nay trở thành đặc sản tại các quán ăn, nhà hàng, với giá từ 100-140.000 đồng/kg.  

Theo CHÚC LY - NGỌC QUYÊN/ DÂN VIỆT

Các tin khác