Giá lợn 8.12: Giá lợn “nhảy múa”, sắp đến Tết nông dân ĐBSCL chưa dám tái đàn

Giá lợn hơi “nhảy múa” chóng mặt

Kể từ khi có thông tin giá lợn tăng, người chăn nuôi khu vực ĐBSCL bắt đầu nhen nhóm hy vọng có lời từ nghề nuôi lợn. Thực tế, tháng 7.2017, tại nhiều tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu có thời điểm giá lợn hơi (heo hơi) tăng lên mức trung bình 40.000 đồng/kg, thậm chí tốc độ tăng rất nhanh.

Cụ thể là tại tỉnh Hậu Giang, giá lợn hơi đã tăng từ mức 21.000-22.000 đồng/kg (tháng 6) lên 40.000-41.000 đồng/kg trong tháng 7, tuy nhiên thời gian giá lợn tăng rất ngắn, bà con chưa kịp mừng thì giá đã quay đầu giảm.

Cùng “kịch bản” đó, tại các tỉnh lân cận trong khu vực, giá lợn hơi cũng tăng lên 40.000 đồng/kg trong thời gian ngắn, sau đó giảm dần xuống còn khoảng 30.000 đồng/kg vào tháng 8 và chững lại trong khoảng nửa tháng, nhưng đến nay thì đã xuống dưới mức 30.000 đồng/kg.


Người chăn nuôi lợn ở ĐBSCL mệt mỏi vì giá lợn "nhảy múa" liên tục (Ảnh: Chúc Ly).

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Dũng ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cho biết: Từ khoảng giữa năm 2017, khi giá lợn giảm kỷ lục thì đàn lợn của gia đình cũng giảm hơn 1 nửa. Tôi còn lại một ít lợn cũng mong giá sẽ lên, tuy nhiên đến nay thì không dám mong chờ nhiều, vì giá chỉ dao động ở mức 24.000-26.000 đồng/kg. Trước tình hình này phải bán thôi, không thể chờ thêm nữa.

Ông Châu Minh Đức, chủ một trang trại lợn lớn ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), cho hay: “Tôi vừa bán khoảng 3 tấn lợn với giá 26.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại thì nhiều người đã không còn dám trữ lợn chờ giá nữa, vì giá lợn hơi lên xuống chóng mặt, có lúc đã lên đến 40.000/kg, sau đó lại xuống dần, đến nay thì chỉ còn 26.000 đồng/kg. Không riêng gì tỉnh Sóc Trăng mà các tỉnh lân cận tôi biết cũng rơi vào tình cảnh tương tự”.

Không tăng đàn dịp cận Tết

Cũng theo ông Đức, trước tình hình giá lợn hơi rơi xuống tận đáy của thời gian trước và diễn biến thất thường trong vài tháng gần đây thì người nuôi thật sự đã quá mệt mỏi. Để có lợn bán Tết thì ít nhất phải nuôi từ khoảng 5-6 tháng trước, thời điểm đó rơi vào lúc giá lợn giảm mạnh. Như vậy, hiện tại lượng lợn còn lại trong dân giảm nhiều.


Nông dân tỉnh Long An dè dặt vào đàn dịp cuối năm vì lo sợ giá heo rớt sâu. Ảnh: I.T

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, đàn lợn trong khu vực không còn dư nhiều do thời gian trước đó, từ tháng 7 đến đầu tháng 8.2017, người chăn nuôi đã ào ạt bán ra lúc giá lợn tăng cao đột ngột. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều chủ trang trại lợn lớn ở khu vực ĐBSCL, giá heo hơi thời điểm cận Tết có thể sẽ tăng nhẹ.

Trong khi đó, theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tỉnh không thừa heo, nhưng giá heo trong tỉnh cũng không thể tăng được thời gian qua là do tư thương từ các tỉnh lân cận đổ heo về tiêu thụ.

Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện đàn heo chỉ còn ở mức khoảng 229.000 con, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2016 (khoảng 249.000 con). Tại các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng việc giảm đàn trong nông hộ cũng khá rõ nét.

Ông Trương Phước Thông - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bạc Liêu, nhận định: Ggiá heo hơi hiện nay tại địa phương còn khoảng 27.000-28.000 đồng/kg, giảm so với vài tháng trước. Đàn heo của tỉnh đang giảm nhưng chỉ giảm ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, vì vậy nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không thiếu.

Khảo sát một tại các địa phương ĐBSCL, một số hộ vẫn bỏ trống chuồng bởi chưa kịp tái đàn thì giá lợn hơi giảm mạnh. Các Chi cục Chăn nuôi và thú y trong khu vực cũng khuyến cáo người dân trước tình hình tăng, giảm đột ngột như thế, người dân cần tỉnh táo, xác định kỹ mới đầu tư, nhất là không nên tái đàn ồ ạt trong giai đoạn này.  

Theo CHÚC LY/ DÂN VIỆT

Các tin khác