"Bỏ túi" 300 triệu/năm nhờ nuôi con đốt đau điếng, làm mật ngon

Tiếp chúng tôi trong căn nhà dựng tạm ở đèo Chiềng Đông (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu), ông Thượng kể: Trước kia, nhà tôi làm nghề cuốc đất trồng ngô và cấy mấy sào ruộng. Làm lụng vất vả, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng mãi vẫn không khá lên được. Vào mùa giáp hạt lại thiếu ăn triền miên. Tìm hướng thoát nghèo, tôi bỏ nương lúa, nương ngô ở Yên Châu lên ngã ba trại ong Mai Sơn làm thuê giúp em cậu nuôi ong.


Từ nuôi ong lấy mật, ông Thượng có cuộc sống khấm khá so với trồng ngô.

Trong thời gian làm thuê, ông Thượng không lấy tiền công mà chỉ xin em cậu cho vài đàn ong để nuôi. Sau nhiều năm gắn bó, ông Thượng đã hiểu được đặc tính của loài ong. Sau khi được ông em cậu cho đủ 50 đàn ong, năm 2003, ông Thượng dừng lại việc làm thuê và đem đàn ong “di cư” khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo ông Thượng, làm nghề gì cũng vậy, đều có những khó khăn của nó. Đối với nghề nuôi ong, cũng gian nan vất vả lắm. Mỗi năm, ông Thượng phải di chuyển đàn ong từ 4 – 5 lần nên khá tốn kém chi phí đi lại. Từ lúc nuôi ong đến nay, ông Thượng đã cùng đàn ong của mình rong ruổi khắp các tỉnh để lấy mật.


Nhờ biết cách chăm sóc, đàn ong nhà ông Thượng luôn sinh trưởng, phát triển tốt

“Từ tháng 3 đến tháng 4, vào mùa hoa nhãn ở huyện Sông Mã, tôi mang tất cả đàn ong của mình vào đó lấy phấn. Mùa hoa nhãn, cho thu mật được nhiều nhất, một tháng thu được 4 lần mật. Hiệu quả kinh tế mật nhãn đem lại cũng cao hơn so với các loại mật khác. Hết mùa nhãn, từ tháng 4 đến tháng 7, tôi lại di chuyển đàn ong của mình xuống Phú Thọ dưỡng keo. Hết Phú Thọ tôi lại đi Tây Nguyên, Bình Phước” – ông Thượng bảo vậy.


Với diện tích cây ăn quả ở Sơn La gần 58.000 ha, nuôi ong sẽ là một trong những nghề ổn định và đem lại lợi nhuận khá cho bà con vùng cao

Nói về kỹ thuật nuôi ong, ông Thượng chia sẻ thêm: Ong thường hay bị bệnh thối ấu trùng vôi, thối ấu trùng túi. Loại bệnh này nếu không kiểm soát được rất dễ thất bại. Nếu bị nặng quá chỉ còn cách bỏ đi hoặc thay ong chúa khác. Đặc biệt, lưu ý không được dùng thuốc khác sinh để phòng trừ vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mật mà chỉ nên dùng thuốc sinh học.


Ong chúa có nhiệm vụ đẻ trứng và điều khiển ong thợ

Để mật ong cho chất lượng chuẩn, trước khi đặt cơ sở nuôi ong ở đâu, tôi phải đi bộ hàng cây số ở trên đỉnh đồi và dùng phần mềm định vị trên điện thoại thông minh quét diện tích khu vực đó với đường kính 6 km xem khu nào có thảm thực vật phong phú, an toàn, không phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, không ô nhiễm môi trường.

Đến nay, ông Thượng có 250 đàn ong, một năm xuất bán từ 2,5 – 3 tấn mật ong. Đầu ra chủ yếu của ông Thượng được đưa về Công ty cổ phần ong Trung ương để xuất khẩu ra nước ngoài. Với giá bán 100 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi năm ông Thượng thu 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Thượng bỏ túi 150 triệu đồng.

Từ hộ nghèo, nhờ nuôi ong, đến nay ông Thượng đã thoát được nghèo, xây được nhà cửa khang trang, cuộc sống dư ăn, dư tiêu.  

Theo TUỆ LINH/ DÂN VIỆT

Các tin khác