Nuôi cá dứa

Chính vì vậy cá dứa là một đối tượng bị săn lùng triệt để, nguồn cá ngoài thiên nhiên bị cạn kiệt. Mới đây, huyện Cần Giờ (TPHCM) đã nuôi thả và phát triển thành công loại cá này, cung cấp cá thương phẩm cho thị trường phía Nam.

KS Võ Văn Phẳng, Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết: Đầu năm 2009, huyện đã xây dựng mô hình nuôi cá dứa thí điểm tại địa phương. Qua thành công ban đầu, diện tích nuôi cá dứa được nhân lên 10 ha, tập trung ở các xã Lý Nhơn và An Thới Đông.

Một trong những người nuôi cá dứa đạt hiệu quả cao của huyện Cần Giờ là ông Võ Văn Sung (ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn) cho biết: “Gia đình tôi nuôi 1 ha cá dứa cho thu nhập rất khá. Điểm thuận lợi của nuôi cá dứa là có thể tận dụng thức ăn từ thiên nhiên như trái bần, mắm, ổi mọc rất nhiều ở bờ sông, bờ kè. Tính từ khi thả giống tới thu hoạch là 1 năm, nếu chăm sóc tốt trọng lượng cá đạt từ 1,2-1,5 kg/con, năng suất nuôi trung bình từ 10-15 tấn cá/ha/năm. Giá bán cá dứa thương phẩm vào thời điểm này là 80.000 đ/kg (loại từ 1 kg trở lên). Nếu bán dịp tết có giá từ 120.000-150.000 đ/kg, hơn hẳn nhiều loại cá khác”.

Theo ông Sung, để nuôi cá dứa hiệu quả, ngoài yếu tố kỹ thuật được áp dụng triệt để từ khâu thả giống, cho ăn, xác định được độ mặn trong ao…, thì người nuôi cần phải nắm được yếu tố thời tiết bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cá. Tốt nhất nên thả giống vào đầu mùa mưa vì mùa nắng cá ăn rất ít, thời tiết quá hanh khô cá nổi đầu dễ chết. Thêm nữa, cũng cần thường xuyên thay nước trong ao để cân bằng độ pH và giữ vệ sinh môi trường cho cá.

Tương tự, ông Phan Thanh Bình có diện tích nuôi cá dứa khá lớn tại xã Long Hòa cho biết, thời gian nuôi cá dứa hơi dài so với các loại cá da trơn khác, bù lại thịt cá dứa rất thơm ngon, bổ dưỡng. Đến mùa thu hoạch cá, mối lái về tận ao vớt cá lên cân và trả tiền liền, người nuôi không phải mang đi bán, thậm chí chưa thu hoạch, mối đã đặt tiền cọc trước.

“Đặc biệt, sản phẩm cá dứa phơi khô có giá rất cao lên tới 350.000 đ/kg nhưng vẫn được khách du lịch đến Cần Giờ tìm mua về làm quà cho người thân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, bởi vì cá tươi cũng chưa đủ bán thì lấy đâu ra nhiều để phơi khô!”, ông Bình nói.

Cá dứa là loài cá nhiệt đới, phân bố rộng ở châu Á và di trú ở sông Mekong để sinh sản, khi cá lớn thì di chuyển về vùng cửa sông để sinh sống. Cá dứa cũng như các loại cá khác trong họ cá tra có tập tính di lưu sinh sản: Khoảng tháng 5 đến tháng 10 cá con bắt đầu di chuyển dần ra vùng cửa sông giáp biển để sinh sống.

Ngoài thức ăn chính là động vật phù du, cá dứa còn ăn trái cây, các loài cây vùng ngập mặn như trái mắm, bần, ổi…, nên còn có tên là “cá tra bần”. Lúc đạt kích thước nhất định, cá quay trở lại vùng nước ngọt và di cư ngược dòng tìm nơi sinh sản...

Theo KS Võ Văn Phẳng, do công nghệ SX nhân tạo cá dứa chỉ mới thành công bước đầu và vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là tỉ lệ sống của cá bột quá thấp, cho nên cần phải khôi phục quy mô quần thể đàn cá này trong tự nhiên.

Việc nuôi và phát triển cá dứa ở Cần Giờ đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thông qua việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt, khô cá dứa cho thị trường, giảm khai thác cá tự nhiên, đồng thời có thể tạo các quần đàn bố mẹ để tái SX. Huyện cũng đang xây dựng thương hiệu “Cá dứa Cần Giờ” để quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng diện tích nuôi cá dứa cho bà con nông dân.

Theo Nông nghiệp VN

Các tin khác