"Ép" nhãn ra quả trái vụ chi chít, bỏ túi vài trăm triệu đồng

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn trĩu quả đang hái bán Tết, ông Lãm cho biết, thực tế, thời điểm này không phải là vụ chính thu hoạch nhãn. Nhưng nhờ áp dụng các kỹ thuật học được, ông đã ép cho nhãn ra hoa đậu quả trái vụ, năng suất đạt khá cao, khoảng 15-20 kg/cây.

“Gia đình tôi có hơn 1.000 gốc nhãn nhưng đợt này tôi chỉ ép gần 600 gốc cho ra quả để bán lai rai từ tháng 10 Âm lịch tới Tết Nguyên đán. Riêng từ đầu tháng Chạp đến nay, gia đình tôi đã xuất bán được hơn 1 tấn nhãn cho thương lái với giá 30.000 đồng/kg"-ông Lãm nói.


Ông Dương Công Lãm (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bên vườn nhãn của gia đình. Ảnh: N.H

Theo ông Lãm, ông đã có thâm niên 25 năm trồng nhãn. Ban đầu, ông chỉ trồng một ít xen vào vườn cà phê, hồ tiêu để lấy quả ăn. Sau đó, nhận thấy nhãn cho năng suất cao, ông trồng xen thêm vào vườn cây để tăng thu nhập. Cách đây 5 năm, khi giá hồ tiêu và cà phê bắt đầu giảm mạnh, ông quyết định phá bỏ toàn bộ 1,5 ha 2 loại cây này để chuyển sang trồng nhãn.

Ông sử dụng các giống nhãn Khoái Châu, Hương Chi, RT6 được nhập từ tỉnh Hưng Yên để trồng.

Ông Lãm cho hay, cây nhãn rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Chư Sê. Chi phí trồng và chăm sóc nhãn cũng thấp hơn nhiều so với cà phê và hồ tiêu (trung bình mỗi năm chỉ phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng/ha). Trong khi đó, nhãn có thể cho thu hoạch nhiều lần nếu có kỹ thuật ép ra quả trái vụ hoặc quanh năm nên thu nhập cũng khá cao.

Cũng theo ông Lãm, kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn để cho năng suất cao cũng như ép nhãn ra quả trái vụ khá đơn giản. Cụ thể, khi trồng nhãn cần giữ khoảng cách giữa các cây là 3,3 m. Sau khi trồng, cần chăm sóc thật tốt để nhãn phát triển, tạo sức bền sau này ra hoa, đậu quả. Sau khoảng 30 tháng trồng, nhãn sẽ bắt đầu ra hoa, đậu quả.

Thời gian từ khi cây ra hoa đến lúc thu hoạch mất 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, người trồng cần áp dụng phương pháp bón phân tổng hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây để ép cho ra quả theo thời điểm mong muốn. Đồng thời, tiến hành cắt tỉa chọn cành từ lúc bắt đầu ra hoa và chỉ để lại một số cành có khả năng đậu quả. Tiếp đó, cắt tỉa lại 1 lần nữa để chọn những chùm khỏe, có khả năng cho quả to.

“Thực tế, nhãn ra quả chính vụ là vào tháng 7. Đây là thời điểm vào mùa mưa nên nhãn hay bị hỏng và sâu bệnh dẫn đến năng suất thấp, giá bán cũng thấp. Trong khi đó, ở Gia Lai, khí hậu phân biệt rõ rệt mùa mưa và mùa khô nên tôi chia việc ép nhãn ra quả trái vụ thành 2 đợt là tháng 3 và tháng 12 Âm lịch để khi thu hoạch có giá bán cao hơn. Theo đó, mỗi đợt thu hoạch trái vụ, 600 cây nhãn của gia đình cho thu gần 10 tấn quả, giá bán trung bình khoảng 30-35 ngàn đồng/kg. Tính trung bình, gia đình thu nhập hơn 300 triệu đồng/vụ” - ông Lãm chia sẻ.

Không chỉ ép nhãn ra quả trái vụ, hiện nay, ông Lãm còn trồng, chiết ghép cây giống để cung cấp cho người dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc và kỹ thuật cho nhãn ra quả trái vụ để bán được giá.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Pal-nhận xét: “Thời gian gần đây, trên địa bàn xã có một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Trong đó, mô hình trồng nhãn trái vụ của ông Dương Công Lãm đã cho hiệu quả thiết thực. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham quan, học tập và áp dụng mô hình này vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Theo Nhật Hào (Báo Gia Lai) 

Các tin khác