Bệnh vàng lá chín sớm tấn công lúa cao sản


Ruộng lúa Đài Thơm 8 nhiễm bệnh vàng lá chín sớm.

Lật lại lịch sử canh tác hơn 20 năm trước đây, các ruộng lúa tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (năm 1997) bị bệnh vàng lá nặng, lá lúa cháy khô sớm, nông dân phải gặt lúa sớm hơn 10 ngày so với bình thường, thiệt hại hơn 30% năng suất. Các nhà khoa học đặt tên là bệnh “vàng lá chín sớm” để phân biệt với các triệu chứng vàng lá khác.

Kể từ khi nhà nông Việt Nam biết sử dụng các hoạt chất hóa học trừ nấm bệnh phun ở giai đoạn đòng trổ thì loại bệnh này đã được quản lý tốt. Sau khoảng 15 năm canh tác (từ năm 2000 đến 2015), bệnh vàng lá chín sớm gần như bị “tuyệt chủng” trên các giống lúa cao sản ngắn ngày.

Chia sẻ của nhà nông Nguyễn Văn Thứ ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tôi làm lúa hơn 20 năm nay quan sát thấy trên giống lúa nếp thì loại bệnh này còn thấy xuất hiện, các giống IR5040, Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM 4900 đã từ lâu không thấy vàng lá chín sớm nặng như năm nay”

Ở ĐBSCL hiện nay nhất là các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, đại dịch vàng lá chín sớm bùng phát mạnh ở các trà lúa trổ đến chín, những nhà nông trẻ thế hệ thứ hai rất hoang mang, không kịp trở tay do thiếu thông tin về loại dịch hại này trước đó.

Anh Nguyễn Thanh Nghĩa ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Từ lúc cha mẹ để ruộng lại cho tôi làm hơn 10 năm chưa biết có loại bệnh này nên không hiểu các phòng trị, lúa bệnh ngày càng nặng, vàng cả cánh đồng, nhìn xa tưởng lúa chín nhưng lại gần bông lúa vẫn còn xanh”.

"Bệnh vàng lá chín sớm do nấm Gonatophragmium sp. gây ra. Bệnh gây hại trên bất kỳ lá lúa nào trong bụi lúa. Trên lá lúa, đầu tiên bệnh xuất hiện là một đốm nhỏ màu vàng nhạt, có hình tròn hoặc thường hơn là hình bầu dục. Đốm bệnh lan lớn ra nhanh chóng và kéo sọc dài màu vàng hướng về chóp lá. Sọc vàng lan dần ra thành vệt vàng màu cam. Bệnh nặng làm lá chuyển màu vàng cam hoàn toàn và lá bị cháy khô", PGS Phạm Văn Kim - Đại học Cần Thơ cho hay.

Thời tiết vụ Đông Xuân năm nay đêm lạnh, ngày nóng, sáng có mù sương làm bệnh vàng lá chín sớm lây lan quá nhanh, đa số nhà nông ngại rằng, việc lá lúa bị vàng sẽ ảnh hưởng đến quá trình vào chắc của bông lúa. Tuy nhiên, những nghiên cứu thực tế cho thấy màu vàng là màu của nấm bệnh tiết ra nhuộm vàng lá lúa giống như chúng ta “nhuộm tóc” hay “nhuộm vải”.

Bản chất lá lúa bị nhuộm vàng vẫn có khả năng quang hợp do phần diệp lục tố bên trong lá vẫn còn tồn tại. Trong trường hợp này năng suất của ruộng lúa không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ khi bệnh phát sinh sớm từ giai đoạn làm đòng làm cho lá lúa bị cháy khô thì sự quang hợp không còn xảy ra nữa.

Từ những thông tin trên, chúng tôi đưa ra hai hướng quản lý bệnh vàng lá chín sớm như sau:

Nếu bệnh xuất hiện sớm từ giai đoạn làm đòng hay mới vừa trổ lẹt xẹt: Bà con cần can thiệp bằng thuốc hóa học do thời gian bệnh kéo dài đến thu hoạch sẽ làm lá bị cháy khô, không quang hợp được nên năng suất chắc chắn sẽ bị giảm.

Nếu bệnh xuất hiện muộn từ giai đoạn trổ đều về sau: Lúc này lá lúa chỉ bị nhuộm vàng, vẫn còn có khả năng quang hợp để tạo năng suất nên bà con không cần can thiệp bằng thuốc.

Để quản lý bệnh một cách toàn diện thì ngay từ đầu vụ bà con nhớ chọn giống xác nhận để cây lúa khỏe, có sức chống chịu tốt khi xuống đồng.

Sạ với mật độ vừa phải, sử dụng cân đối lượng phân đạm trong suốt qui trình canh tác lúa. Cần thiết tăng cường Kali và Silic cho ruộng lúa.

Những hoạt chất hóa học quản lý tốt bệnh vàng lá chín sớm phổ biến hiện nay như: Macozeb + Cymoxanil, Propineb hay sự kết hợp giữa Propiconazole + Flusilazole. Đại diện cho nhóm sản phẩm này như Novo 400 SC công ty CP Lion Agrevo phân phối bà con có thể sử dụng để vừa quản lý vàng lá chín sớm và lem lép hạt ở giai đoạn trổ lẹt xẹt và trổ đều.

Biến đổi khí hậu những năm gần đây làm cho các loại dịch hại diễn biến phức tạp, bài viết hi vọng giúp bà con có thêm thông tin quản lý thành công bệnh vàng lá chín sớm, bảo vệ năng suất vụ Đông Xuân 2019 - 2020.

Theo Lê Trần Hoàng Vũ/ NNVN

Các tin khác