Cho táo…uống sữa

Cắn ngập răng

Những quả táo hình dáng thuôn dài, sắc xanh hơi ngả sang vàng, cắn vào ngập đến tận chân răng bởi kích thước của to lớn khác thường, 10-12 quả là đạt 1 kg nhưng lại không có nhiều nhớt như giống táo đại của ta. “Chúng có tên là táo sữa bởi vì đơn giản được tưới bằng sữa, bằng mật”.


Cận cảnh táo sữa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kỹ sư Cao Thị Nguyệt Ánh ở Trung tâm Ứng dụng Công nghệ cao Phú Hộ (Phú Thọ) thuộc Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam vừa giải thích với tôi như vậy vừa nghiêng cái xô đựng dung dịch sữa, mật đã được ngâm ủ kỹ đổ vào miệng thùng. Từ đó một dòng chất lỏng sanh sánh, sẫm màu, từ từ tuôn chảy.

Sau khi đã hòa hỗn hợp trên với nước theo một tỷ lệ nhất định, cái máy bơm được đóng điện, kêu xè xè hút dung dịch từ trong thùng chứa phun rào rào vào các gốc cây. Đây là vụ thứ tư kể từ khi mô hình trồng thử nghiệm giống cây nhập ngoại này được thực hiện đầu tiên ở Phú Thọ vào năm 2015.


Pha dung dịch đường, sữa, men vi sinh đã ngâm ủ vào để tưới cho táo. Ảnh Dương Đình Tường

Táo sữa là kết quả lai giữa táo Đài Loan và táo Ấn Độ. Loại đặc sản này vốn dĩ bản thân đã ngon nhưng khi được tưới bằng sữa thì trở lên thơm, ngọt, giòn một kỳ lạ, chủ yếu dành để phục vụ cho tầng lớp trên của xã hội. Táo sữa của Đài Loan vài năm trở lại đây đã được một số shop nhập về bán với giá 450.000đ/kg tương đương khoảng 50.000đ/quả.

Vốn là một người gắn bó cả đời với ngành giống, chị Nguyễn Thị Tâm-Giám đốc Công ty đã cất công đi sang nhiều nước để tìm đến các trang trại có giống táo này tham quan. Sau một thời gian dài thương thảo, cuối cùng tâm huyết của chị cũng được đền đáp khi chủ vườn đồng ý chuyển giao cả giống táo quý hiếm lẫn cách chăm sóc, công thức ngâm ủ loại phân đặc biệt tại chính vùng nguyên gốc của nó.

Cầu kỳ về công nghệ

Trái với tưởng tượng ban đầu, sữa, mật không được tưới trực tiếp mà phải qua ngâm ủ với chế phẩm sinh học trong vòng khoảng 1 tháng. Sau khi cây đậu quả được 5 ngày là tưới vào theo quy trình cứ 5-7 ngày bổ sung 1 lần cho tận đến khi thu hoạch. Để chứng minh cho tác dụng của cây trồng khi được uống sữa, các nhà khoa học của Trung tâm đã làm hai công thức thí nghiệm. Một nửa số gốc được chăm bón bằng phân thông thường, nửa còn lại ngoài chăm bón bằng phân thông thường còn có chế độ bổ sung thêm dung dịch sữa, mật.


Tưới dung dịch sữa, mật, men vi sinh cho táo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về hình dạng, kích thước, trọng lượng quả, tỷ lệ phần thịt quả, màu sắc quả, thịt quả không có sự sai khác mấy giữa hai công thức chăm bón nhưng khi đưa vào máy phân tích thì đường tổng số, vitamin C, protein...ở những gốc táo được cho uống sữa đều tăng cao hơn hẳn (đường tổng số đạt 4,4-4,6% so với 3,8-3,9% không được bón bổ sung).

Không những thế khi ăn còn có mùi vị thơm rất đặc trưng nên đám chim, chuột vốn khôn lanh toàn chọn ăn những quả táo sữa chín căng mọng mà bỏ qua những gốc táo chăm bón theo cách thông thường.

Thí nghiệm được lặp lại trong 2 năm 2017, 2018 đều chứng minh cho điều đó nên từ năm 2019 toàn bộ gốc táo ở Trung tâm đều được cho uống sữa hết. Tổng cộng có 80 gốc táo sữa như vậy, mỗi gốc vụ này ước thu hoạch được khoảng 40-50 kg, tương đương với năng suất 10-12 tấn/ha. Nhiều cây cành bị gẫy vì quá sai quả.


Kỹ sư Cao Thị Nguyệt Ánh đang kiểm tra táo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy nhiên, một công nhân ở đây cho biết mọi năm thời tiết thuận lợi quả to đều nhưng năm nay kích cỡ có nhỏ hơn. Thêm vào đó đây cũng là vụ đầu tiên thử nghiệm kỹ thuật mới do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn là khoanh gốc để làm đau cây, kích thích ra hoa đồng loạt nhưng chưa được thành công cho lắm nên chất lượng ăn chỉ vào dạng 6/10 điểm so với vụ trước (năm ngoái giá táo sữa 50-60.000đ/kg mà không có để mà bán).

Ngoài vườn táo giống gốc trồng ở Phú Hộ còn có vườn cây thương phẩm trồng ở huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa tuy nhiên không được bón bổ sung sữa, mật nên chất lượng cũng có sự sai khác.

Việt Nam có khá nhiều giống táo, phổ biến hiện nay có táo chua, táo Thiện Phiến ngọt, táo Gia Lộc, táo đào vàng, táo Ninh Thuận, táo Xuân 21, việc có thêm giống táo sữa Thái Lan sẽ bổ sung cho sự phong phú của tập đoàn giống.

Theo Dương Đình Tường/ NNVN 

Các tin khác