Nuôi loài bò sát rõ dài ai trông cũng sợ, nông dân 9X làm giàu kiểu "độc lạ"

Đến thời điểm này, mô hình nuôi rắn ráo trâu của chàng trai Phạm Lê Thái Phong, khu phố Lập Nghĩa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Thành quả của anh Phạm Lê Thái Phong, khu phố Lập Nghĩa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) khi quyết định chọn mô hình nuôi rắn ráo trâu hay còn gọi là rắn long thừa.

Đầu tháng 11/2019, qua tìm hiểu sách, báo và các phương tiện truyền thông, anh Phạm Lê Thái Phong đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 100 con giống rắn ráo trâu hay còn gọi là long thừa, rắn hổ trâu từ Định Quán, tỉnh Đồng Nai về nuôi thử nghiệm.

Anh Phong cho biết, trong số nhiều loại rắn được nuôi làm nguyên liệu bào chế thuốc chữa bệnh và làm thực phẩm thì rắn ráo trâu là loài dễ nuôi, thịt có giá trị dinh dưỡng và an toàn khi nọc rắn không chứa độc tố nguy hiểm đến tính mạng con người. Đây cũng là lý do mà anh Phong lựa chọn loại rắn ráo trâu này để khởi nghiệp.

Ban đầu, anh Phong xây dựng khu vực nuôi rắn long thừa tầm 30 m2; khu nuôi rắn ráo con, anh thiết kế mỗi ô chuồng có diện tích 1m2 với tổng cộng 8 ô. Bên cạnh đó anh còn thiết kế các ô chuồng nuôi rắn ráo trưởng thành; diện tích lớn hơn so với chuồng nuôi rắn con và thiết kế cửa chuồng trên cao nhằm hạn chế rắn bò ra ngoài.

Bên trong chuồng nuôi rắn có chia tầng để rắn bò và phủ lá chuối, lá dừa khô phù hợp với tập tính loài rắn vì vậy rắn dễ thích nghi và phát triển.

Ngoài ra còn có ô chứa nước để rắn hổ trâu uống và tắm. Để đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi rắn, anh sử dụng mùn cưa, có bổ sung men vi sinh xử lý.

Anh Phong cho biết, thức ăn chủ yếu dùng trong nghề nuôi rắn hổ trâu là chuột, cóc, nhái còn sống. Nhưng ở nhiều thời điểm trong năm, nguồn thức ăn này rất khan hiếm, giá cao làm đội chi phí chăn nuôi rắn ráo trâu.

Nếu nuôi theo cách truyền thống, người nuôi rắn hổ trâu rất khó nâng đàn rắn lên quy mô lớn. Qua tìm hiểu tài liệu, nhận thấy rắn ráo trâu trưởng thành có thể bắt, nuốt cả gà con và sau 2 - 3 ngày rắn mới ăn lại. Vì vậy, anh Phong đã quyết định sử dụng gà con làm nguồn thức ăn chính cho đàn rắn ráo trâu.

Sau khi đảm bảo nguồn thức ăn cho trại nuôi rắn, anh Phong liên tục mở rộng quy mô đầu tư, nâng số lượng rắn ráo trâu lên 500 con.

“Rắn ráo trâu bố mẹ sau khi nuôi được 1 năm sẽ bắt đầu sinh sản. Mùa mưa là thời điểm rắn hổ trâu sinh sản chính, rắn cái có thể đẻ từ 15 - 18 trứng/lần. Hiện mỗi tháng trại rắn cung cấp ra thị trường trên 30kg rắn ráo trâu thịt thương phẩm, có thời điểm nhiều hơn...", anh Phong chia sẻ.

Anh Phong cho biết thêm: "Giá bán rắn ráo trâu trung bình từ 450.000 – 550.000 đồng/kg. Giá rắn con là 110.000 đồng/con; giá trứng rắn ráo trâu từ 70.000 - 100.000 đồng/quả. Theo tính toán, trong 1 năm nuôi, mỗi con rắn ráo trâu có thể tiêu tốn lượng thức ăn hơn 200.000 đồng, sau khi trừ chi phí lãi mỗi con rắn từ 300.000 - 400.000 đồng”.

Qua thời gian nuôi, anh Phạm Lê Thái Phong, khu phố Lập Nghĩa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) nhận định mô hình nuôi rắn hổ trâu không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận cao. Ngoài ra, nhu cầu thị trường về rắn hổ trâu tăng cao. Vì vậy, thời gian sắp tới anh Phong sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi rắn hổ trâu và hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, chăn nuôi, bao tiêu đầu ra sản phẩm rắn hổ trâu cho bà con nếu có nhu cầu nuôi.

Theo NGỌC DIỆP/ BÁO BÌNH THUẬN 

Các tin khác