Nuôi hơn 21.000 con lươn đồng trong bể xi măng, kéo vỉ lên khách bất ngờ vì thấy toàn lươn to bự

 Đến ấp Chà Và, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) nhắc đến mô hình nuôi lươn trong bể xi măng mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Tô Phước Mạnh ai cũng tấm tắc ngợi khen tinh thần chí thú làm ăn, cầu tiến, ham học hỏi.


Vào giữa tháng 3/2020, Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) Trần Quốc Tuấn tham quan mô hình nuôi lươn của anh Tô Phước Mạnh (từ trái sang) ở ấp Chà Và, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Chia sẻ thông tin với Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang Trần Quốc Tuấn về tinh thần khởi nghiệp, quyết chí thoát nghèo của mình, anh Tô Phước Mạnh kể: “Học hỏi thông tin, kiến thức nuôi lươn không bùn trong bể xi măng qua mạng internet, báo chí, năm 2016 tôi bắt tay vào nuôi lươn. Do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả không cao...".

“Thất bại là mẹ thành công”, rút kinh nghiệm từ vụ nuôi lươn không bùn trong bể xi măng đầu tiên ấy, tôi bắt đầu áp dụng những kiến thức khoa học và qua tham quan thực tế các mô hình nuôi lươn trong và ngoài tỉnh Trà Vinh. Nhờ đúc kết kinh nghiệm từ tài liệu, báo chí và qua học hỏi thực tế, nên từ 2017 đến nay hiệu quả kinh tế từ nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của gia đình mang lại khá cao”, anh Tô Phước Mạnh chia sẻ.

Vụ nuôi lươn không bùn năm 2019-2020 với diện tích 200 m2, anh Mạnh thiết kế 14 bể xi măng, đầu tư thả nuôi 21.000 con lươn giống. Sau 7 tháng nuôi anh thu hoạch được gần 4 tấn lương thương phẩm. Lươn thịt anh bán với giá 180.000-190.000 đồng/kg (3 con/kg), trừ chi phí, anh Mạnh lãi hơn 350 triệu đồng.

Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng khác với lươn sống trong tự nhiên có bùn, đó là khi xây dựng bể nuôi cần chú ý lựa chọn khu vực đất cao ráo, kín gió và có thể cung cấp được nguồn nước với chất lượng tốt.

Giá thể lưới lan nuôi lươn lươn không bùn làm bằng khung tre (hoặc gỗ, sắt) xếp chồng lên nhau. Khung đan thêm các dây nilon hoặc phủ lưới để tạo thành “sàn ăn” cho lươn.

Diện tích nuôi lươn không bùn trong bể xi măng yêu cầu không lớn, ít công chăm sóc, thức ăn cho lươn là thức ăn viên có độ đạm từ 25-40%, mỗi ngày cho lươn ăn từ 1-2 lần.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nuôi lươn không bùn của anh Tô Phước Mạnh, muốn nuôi thành công cần nắm vững kỹ thuật nuôi lươn và áp dụng tốt quy trình nuôi lươn khoa học.

Anh Mạnh cho biết thêm: Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng được xây dựng và có lắp đặt hệ thống xử lý nước khép kín. Nước cấp đầu vào nuôi lươn phải đảm bảo sạch.

Còn thức ăn thừa của lươn, nước thải thừa từ phân lươn được thải ra để nuôi cá trê, nuôi rắn ri voi. Tất cả nước thải từ bể nuôi lươn, hồ nuôi cá trê, nuôi rắn ri voi đó dùng làm nước phân tưới cho cỏ để nuôi bò.

Phân bò được anh Mạnh dùng để nuôi trùn quế. Đến lượt trùn quế lại được làm thức ăn lại cho lươn. Nhờ quy trình xử lý nước tuần hoàn khép kín, tất cả các phụ phẩm từ nuôi lươn, cá trê, rắn hồ ri voi đều sử dụng hữu ích cho sản xuất, lại bảo vệ tốt cho môi trường.

Về đầu ra con lươn theo anh Mạnh hiện nay rất ổn định, ngoài thị trường trong tỉnh Trà Vinh thì thị trường bán lươn chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như tỉnh An Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ…


Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Ngang Trần Quốc Tuấn chỉ đạo ngành nông nghiệp, các xã nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng như mô hình của gia đình anh Tô Phước Mạnh, ấp Chà Và, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Biểu dương tinh thần năng động, ý chí khởi nghiệp sáng tạo của Tô Phước Mạnh, Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Ngang Trần Quốc Tuấn chỉ đạo ngành nông nghiệp Cầu Ngang có chính sách hỗ trợ thỏa đáng.

Ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang cũng xem đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả cao trong điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu hiện nay.

Về hướng tới, Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vình) cho rằng, từ mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Mạnh ngành nông nghiệp tổ chức hội thảo, chia sẻ rút kinh nghiệp, chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn để nông dân trong vùng phát triển mô hình này.

Đồng thời, ngành nông nghiệp Cầu Ngang cũng cần xây dựng chuỗi liên kết nuôi lươn trong vùng; xây dựng tổ hợp tác nuôi lươn, tạo được nguồn lươn thương phẩm đầu ra chất lượng, ổn định mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trước tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn “thiệt hại kép” bởi dịch tả heo châu Phi; tác động bất lợi hạn, mặn; dịch Covid 19 …để ổn định sản xuất, hơn lúc nào hết nông dân cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng.

Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của anh Tô Phước Mạnh, ấp Chà Và, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là mô hình hay cần được nhân rộng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Theo ĐÌNH CẢNH/CỔNG TTĐT HUYỆN CẦU NGANG, TRÀ VINH

Các tin khác