Dân làng rau Mai Hồ tất bật ra đồng chăm rau, bí quyết gì mà ngày nào cũng có nửa triệu?

Ngay từ giữa tháng 9 âm lịch, nhiều nông dân trên địa bàn thị trấn Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) làm đất, xuống giống rau màu phục vụ thị trường Tết.

Các loại màu chủ lực được nông dân ở đây gieo trồng nhiều trong dịp này là củ cải trắng, su hào, súp lơ, bắp cải và rau cải các loại… Những ngày này, bà con nông dân tích cực ra đồng, chăm sóc để rau phát triển tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu.


Bà Phạm Thị Thủy (ở làng trồng rau Mai Hồ, Hà Tĩnh) tranh thủ thu hoạch rau ngắn ngày bán ra thị trường.

Đang nhổ cỏ, xới đất cho những luống rau cải, ông Trần Thế Hạnh (trú tại thị trấn Đức Thọ), cho biết: "Năm nay, gia đình tôi trồng các loại rau ngắn ngày, dài ngày với diện tích khoảng 2 sào để phục vụ thị trường Tết. Ngày nào gia đình tôi cũng có rau bán ra thị trường, ngày được giá thu lại khoảng 500.000 – 600.000 đồng/ngày, ngày thu ít nhất cũng được 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi cũng lãi 25.000 – 26.000 triệu đồng".


Cánh đồng rau xanh mướt ở làng trồng rau sạch Mai Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Tại làng rau Mai Hồ, nông dân luôn chủ động sản xuất rau theo hướng an toàn, không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón vi sinh nên rau xanh ở đây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.


Ông Trần Thế Hạnh (trú tại thị trấn Đức Thọ) xới đồng trồng xen kẽ các loại giống rau ngắn ngày để lúc nào cũng có rau bán, có thu nhập thường xuyên.

Với kinh nghiệm trồng rau phục vụ thị trường Tết Nguyên đán hơn 5 năm, bà Nguyễn Thị Lan (SN 1953, tại Tổ dân phố số 1, Đức Thọ) phấn khởi nói: "Gia đình tôi trồng gần 3 sào rau, tôi chia thành các luống rau theo nhiều loại rau khác nhau, hơn 1.000 cây bắp cải, su hào, củ cải và rất nhiều loại rau khác. Hiện tại bắp cải đang trong giai đoạn cuộn, hứa hẹn cho năng suất cao. Thông thường các thương lái sẽ đến mua rau vào lúc 3h - 4 sáng, rồi phân phối cho các chợ đầu mối trong tỉnh".


Bà Trần Thị Đức (SN 1951, ở làng trồng rau Mai Hồ, Đức Thọ) cắt tỉa rau già, nhổ cỏ.

Bà Trần Thị Đức (SN 1951, ở làng trồng rau Mai Hồ, Đức Thọ) với kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề, chia sẻ: "Để cho năng suất cây trồng cao, tôi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Mai Hồ được hướng dẫn kỹ thuật và chăm sóc nên hầu hết năm nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế".

Bà Đức cho biết, gia đình bà chủ yếu trồng súp lơ là phần nhiều. "Để cây luôn xanh tốt thì tôi phải chăm tưới phân và khi rau đang nhỏ phải phòng trừ sâu bệnh. Nếu súp lơ trổ đúng thời gian thì Tết nay sẽ thu lại lợi nhuận cao, đủ cho một cái tết sung túc" - bà Đức nói.

"Hiện nay, thời tiết trở lạnh, địa hình trồng rau trống trải nên những cây hoa màu yếu dễ chết hoặc gãy cành, đổ ngọn. Do đó tôi phải dậy sớm hơn mọi ngày để tích cực tưới nước cho rau, ngoài ra cần kiểm tra kỹ vườn rau nhiều lần trong ngày. Nếu phát hiện cây chết phải lập tức loại bỏ, trách vi khuẩn lây lan trong các luống rau.

Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư nilon để phủ che kín các luống rau xanh, nhằm cây phát triển để kịp thời cung ứng nhu cầu dịp tết sắp đến gần" - bà Đức bật mí.


Củ cải sạch, được nhổ bán ra thị trường.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Trần Thị Thảo – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đức Thọ, cho biết: Tổng diện tích vựa rau của thị trấn Đức Thọ có khoảng 16ha, trong đó hơn 7ha được tập trung ở ven sông, 3ha các hộ dân trồng tại vườn và số còn lại trồng ngô.

Nhằm giúp nông dân sản xuất rau màu vụ Tết thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân xã đã thành lập mô hình Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Mai Hồ nhằm theo dõi tình hình dịch bệnh, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

"Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân bón phân cân đối, thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời; có chính sách hỗ trợ cây giống cho nông dân, đơn vị đang hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ rau cho bà con làng rau Mai Hồ".

Theo LÊ THƠ/ DÂN VIỆT 

Các tin khác