Những nguyên nhân chính gây 'bệnh chết chậm' trong trồng trọt


Trong những năm gần đây Bộ NN-PTNT có rất nhiều chủ trương khuyến khích doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hưu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Minh Phúc.

Thực trạng nền Nông nghiệp Việt Nam 45 năm đổi mới

Nền Nông nghiệp Việt Nam đã trải qua hơn 45 năm đổi mới phát triển, đem lại nhiều uy tín, thành tích cho nông sản Việt trên thị trường thế giới, nhưng cũng để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn và hậu quả không nhỏ đến môi trường và hệ sinh thái.

Có thể kể ra một số hậu quả sau: Áp dụng quá lâu những thao tác nông nghiệp dẫn đến ít hoặc kém hiệu quả. Làm mất cấu trúc đất canh tác, diện tích đất thay đổi, tăng lượng phân bón vô cơ. Tăng lượng thuốc hóa học, đặc biệt là thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ. Tăng khí thải CO2 và tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Từ đó, thải ra 58% khí ôxit nitrit, 47% khí thải metan làm cho hiệu ứng nhà kính tăng lên 18% gây hiệu ứng nhà kính do phá rừng lấy đất canh tác. Làm lượng Phosphore trong các hệ thống nước ngọt (phú dưỡng) đã tăng 75% và luồng thải Phosphore ra biển tăng 10 triệu tấn/năm.

Hiện tại, mỗi năm ở Việt Nam bà con nông dân sử dụng hàng ngàn tấn các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, thuốc trừ cỏ và hàng chục triệu tấn phân hóa học cho cây trồng nông nghiệp. Do vậy, nông nghiệp truyền thống gây ra vô vàn những trường hợp ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cuối cùng phần chi phí tăng thêm mà thu nhập của nông dân lại thấp đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút.

Ngoài ra, còn khá nhiều các doanh nghiệp vì cạnh tranh không lành mạnh đã đưa ra thị trường nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất chất lượng. Để hạ giá thành tối đa sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, họ phải có những hóa chất và nguyên liệu không phải là chất dinh dưỡng nên họ đã vô tình đưa vào đất những chất độc hại làm thoái hóa đất, làm ảnh hưởng tới chất lượng nông sản và kéo theo mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu là nông sản xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam. Mặt khác, với hiện tượng rửa trôi và xói mòn do cường độ mưa sẽ kéo những chất độc từ phân bón giả, phân thuốc kém chất lượng ra ngoài kênh mương hoặc trực đi xuống tầng nước ngầm sẽ làm ảnh hưởng tới động vật thủy sinh, tôm cá và sức khỏe con người.

Ngoài ra, nguy cơ ảnh hưởng xấu tới nông sản Việt nam trên thị trường thế giới và nội địa sẽ xảy ra nếu ngành nông nghiệp không chấn chỉnh và sớm chuyển đổi qua nông nghiệp hữu cơ. Đây chính là một tồn tại vô cùng lớn trong thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam. Với số lượng các chủng loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như vậy, thật khó cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân.


Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhờ các phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: T&T159.

6 nguyên nhân chính

Nguyên nhân thứ 1 góp phần gây ra hiện tượng “chết chậm” của việc canh tác cây trồng đến từ thị trường phân bón. Suốt một thời gian dài, đặc biệt là giai đoạn trước năm 2017, thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại và phát triển những loại phân bón giả, phân bón nhái và giả mạo nhãn hiệu và thương hiệu của những loại phân khác, phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 10-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố tiêu chuẩn cơ sở. Bên cạnh đó, mỗi năm, gần một nửa lượng phân bón vào đất đã mất đi do rửa trôi, bay hơi hay bị cố định chặt. Vì vậy, việc suy kiệt “sức khỏe đất” là dĩ nhiên.

Nguyên nhân thứ 2 làm “chết chậm” ngành trồng trọt là thuốc bảo vệ thực vật. Do mỗi năm gần đây lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật cũng được nhập và sử dụng từ 70.000-100.000 tấn. Một lượng lớn thuốc đã được sử dụng không đúng cách và lãng phí, hiệu quả không cao.

Việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp đã dẫn đến những hệ lụy mà gần đây các chuyên gia liên tục cảnh báo: Gây suy thoái và ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt vi sinh vật có ích, tồn dư các chất độc hại trong đất, trong nước, tích lũy trong các loại nông sản, thủy hải sản, gây độc cho cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Một số nông sản có lượng hóa chất tồn dư vượt mức cho phép đã và sẽ gặp nhiều khó khăn trên thị trường và sản xuất sẽ trở nên kém bền vững, sản phẩm giảm sút tính cạnh tranh.

Nguyên nhân thứ 3, do việc rất nhiều năm nông dân Việt Nam đã sử dụng thuốc trừ cỏ có độ độc cao, điển hình như Paraquat, 2,4D, Glyphosate, đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần hủy hoại những vi sinh vật có lợi trong đất trồng, do đó đã gián tiếp anh hưởng đến “sức khỏe đất”.

Nguyên nhân thứ 4, do nông dân Việt nam từ lâu có thói quen hướng về trồng trọt với năng suất cây trồng thu được sao cho đạt cao nhất, do đó rất thích sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật gốc hóa học để cuối vụ cho năng suất cao nhất. Nhiều vụ, nhiều năm đã làm cho đất trồng mất cân đối dinh dưỡng, nhiều năm không bón phân hữu cơ, cộng thêm ở vùng có khí hậu nhiệt đới, tốc độ phân hủy hữu cơ thường xảy ra nhanh hơn tôc độ tích lũy hữu cơ. Chính vì vậy, đất trồng trọt bị mất cân đối dinh dưỡng, nghèo hữu cơ, tích lũy kim loại nặng và độc tố đất làm suy giảm “sức khỏe đất”.

Nguyên nhân thứ 5, một khi nông dân lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chạy theo năng suất cây trồng và lợi nhuận kiểu “Mỳ ăn liền” sẽ biến nông sản của chúng ta rất dễ bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vât độc hại, hàm lượng N-N03- cao. Chất lượng nông sản giảm sút từ đó làm cho uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam bị mất dần trong thị trường nội tiêu và xuất khâu. Thậm chí, nhiều nông sản Việt Nam của chúng ta đang thua trên sân nhà. Đây chính là nguyên nhân đã, đang và sẽ góp phần gây ra hiện tượng “chết chậm” trong ngành trồng trọt.

Nguyên nhân thứ 6 góp phần đe dọa ngành trồng trọt là chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu làm cho lụt lội, ngập úng, hạn mặn, xói mòn, giảm sút phù sa… làm cho ngành trồng trọt chịu ảnh hưởng xấu dần nếu chúng ta không hạn chế.

Trên đây chúng tôi đã kể ra 6 nguyên nhân nguy cơ gây ra bệnh “chết chậm” của Ngành trồng trọt trong những năm gần đây. Nếu chúng ta không sớm có giải pháp ngăn chặn sẽ có nguy cơ không thể biến nước Việt Nam sớm trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản.

TIẾN SĨ NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA 

Các tin khác