Châu Á thi nhau trồng cây GMO

Theo Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), diện tích canh tác cây trồng GMO trên toàn cầu đã tăng từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên hơn 175 triệu ha trong năm 2013.

Như vậy, sau 18 năm, diện tích cây trồng GMO đã tăng hơn 100 lần. Trong số 27 nước có trồng cây GMO, chỉ có có 8 nước công nghiệp và 19 nước đang phát triển. Tại các nước đang phát triển, có hơn 90% nông dân trồng cây trồng GMO tương đương 16,5 triệu người là nông dân có quy mô nhỏ và nghèo tài nguyên và qua khảo sát của tổ chức này cho thấy gần 100% nông dân thử trồng cây GMO sẽ tiếp tục trồng ở vụ sau.

Một số quốc gia ở châu Á đang và sẽ cho trồng cây trồng GMO. Bangladesh đã phê duyệt cây trồng GMO đầu tiên là cà tím công nghệ sinh học (Brinjal), được phát triển thông qua quan hệ đối tác công - tư với một công ty Ấn Độ. Bangladesh coi đây là một mô hình mẫu cho các nước nhỏ và nghèo khác đã phá vỡ bế tắc của quá trình phê duyệt để thương mại hóa cà tím GMO ở cả Ấn Độ và Philippines. Bangladesh cũng đang theo đuổi việc phê chuẩn gạo vàng và khoai tây GMO.

Indonesia đã phê duyệt mía chịu hạn dùng làm thực phẩm với các kế hoạch đưa vào canh tác năm 2014. Philippines đang chuẩn bị cho trồng giống lúa biến đổi gen (Golden rice) mang Vitamine A chống mù lòa cho trẻ em và bà mẹ mang thai.

Trung Quốc có thể mở đường cho việc phê chuẩn một số cây trồng GMO, mà trước hết là ngô. Nhu cầu về TĂCN để duy trì 500 triệu con lợn và 13 tỉ con gia cầm của Trung Quốc đã khiến nước này đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào ngô nhập khẩu, dù đã sản xuất tới 35 triệu ha ngô.

Theo NNVN

Các tin khác