\"Ít vốn, đừng nghĩ đến làm ăn lớn\"
"Giá mà chúng tôi được vay thêm vốn", đó là mong ước mà chúng tôi được nghe nhiều nhất khi tiếp xúc với người dân. Nhưng, điều ước ấy khó thành hiện thực, bởi các ngân hàng, quỹ tín dụng đều muốn "nắm đằng chuôi". Với rất nhiều người, khát vọng làm ăn lớn vẫn mãi rất xa xôi...
Bà Bình thổ lộ: “Nhà tôi đói vốn lắm, bao nhiêu lần muốn vay ngân hàng để làm ăn nhưng không đủ tiêu chuẩn dù nhà tôi có tới hơn 1ha đất nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên không thể chấp để vay được. Vừa rồi vay được 8 triệu đồng tôi mừng quá, đem trả nợ hết 4 triệu, còn 4 triệu mua heo. Từ 4 triệu đó mà nay nhà tôi đã xuất bầy heo được 26 triệu, trừ mọi chi phí cũng lời được 6 triệu. Đấy là chưa kể hiện trong chuồng heo còn 17 con heo thịt sắp được xuất chuồng và 2 con heo nái”. Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, hiện nay trong xã còn nhiều hộ chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Thực tế, nhờ vay được vốn nên nhà bà đã khấm khá hẳn lên, con cái có công ăn việc làm. Bà Bình ao ước được vay 30 triệu thì sẽ xây chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi, với giá heo như hiện nay thì chẳng mấy chốc trả đủ nợ và khá lên. Theo ghi nhận tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy tình trạng nông dân “đói" vốn như ở Trung Hòa không phải là điển hình mà là tình trạng chung ở nhiều địa phương. Về huyện Thống Nhất, nơi nông dân nổi tiếng làm ăn lớn ở Đồng Nai với nghề nuôi heo và trồng cao su, khi được hỏi vốn thì nông dân nào cũng khao khát vay để làm ăn. Ông Hoàng Văn Tuấn, một chủ trại heo gần 600 con ở xã Gia Tân 2 cho biết: "Bây giờ giá heo đang có lãi, giá mà vay được 300 triệu đồng thì tôi sẽ cải tạo lại đàn heo, mở rộng quy mô thì tốt quá. Do đất của tôi chưa có sổ đỏ khiến cho cán bộ ngân hàng vào thẩm định đã lắc đầu”. Vay càng nhiều càng tốt Đầu làng Thạch Ngũ (Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) mới mọc lên một trang trại nhỏ của một nông dân cũng nhỏ người nhưng chí không nhỏ chút nào. Cưới vợ xong, anh Nguyễn Văn Hòa trằn lưng với mấy sào ruộng nhưng cũng chỉ vắt mũi bỏ miệng. Đổi béng mấy sào ruộng ở vùng xôi mật, vợ chồng Hòa ra lấy mấy đám ruộng cỏ lút bên quốc lộ 1A rồi nhờ bạn bè đào ao, đắp đập nuôi cá thịt, cá giống. Hai năm sau, ki cóp được lưng vốn coi là khá ở quê, vay tiếp bạn bè nữa, Hòa mua đứt 1 ha ruộng sát bên và thuê máy về ngoạm thành ao tất tần tật. Không được đào tạo bài bản gì, nhưng Hòa ham học hỏi, tìm tòi, cậu làm các loại cá giống; mua về ươm các bột, bán cá giống các loại: trê, cóc, rô phi, trắm trôi... Cứ ngày hai buổi anh phóng xe máy chở hai thùng đựng các giống chạy khắp vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy, thậm chí ra cả Bố Trạch, Quảng Trạch cách xa đến năm bảy chục cây số để bán và quảng bá thương hiệu cho riêng mình. Tính anh vốn hoạt và xởi lởi nên tiếp thị khá nhanh. Chẳng mấy chốc trong vùng ai cũng nghe danh Hòa “cọt” bán cá giống. Qua 5 năm gây dựng cơ đồ, Hòa dồn hết vốn mua được 4 ha ruộng (mỗi ha khoảng 100 triệu đồng) để xây dựng mô hình cá giống, lúa - cá. Anh tuyển 5 người làm và trả công mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng và bao luôn ăn ở. Khi tôi hỏi thu nhập mỗi năm được vài trăm triệu không? Anh chàng toét miệng cười: “Có vốn nào vay được, em vay mua luôn 10 ha vùng này để đầu tư làm cho nó bài bản, thuê độ 10 người làm công... Khi đó thu nhập mỗi năm cũng lên tiền tỷ, chứ bây giờ trăm triệu thì ăn thua chi... Nói thật với nhà báo, ít vốn đừng nghĩ đến làm ăn lớn”. Nhưng theo Hòa, vay vốn hiện nay khó quá. Vay theo các dự án hỗ trợ người nghèo hay của bên phụ nữ cũng chỉ được chưa tới chục triệu mà thủ tục không hề dễ dàng. Vay theo kênh dự án phát triển trang trại thì chỉ có nghe nói mà chưa thấy mặt mũi ra sao. Anh Nguyễn Hưng, anh ruột của Hòa làm công cho em nhưng vui ra mặt: “Ở quê làm một tháng hơn triệu bạc thì quá cao rồi. Nếu có điều kiện để chú nó phát triển thêm diện tích ao hồ tăng thêm lao động thì hay biết mấy. Mấy anh em làm ở đây chi tiêu cùng dè sẻn, đến cuối năm cộng lại ai cũng còn được gần chục triệu làm vốn lưng, gấp mấy lần làm thuê miền Nam của mấy cậu thanh niên trong xóm...”. Mấy năm gần đây, dân làng Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đều biết đến lão nông tỷ phú Lê Viết Lưu. Ông Lưu gầy người nhưng bù lại rất khỏe, giọng nói sang sảng. Cũng trầy trật với đám ruộng, bờ ao nhưng không “cất” lên nổi. Rồi dành dụm từ đàn lợn, ít vốn còm góp nhặt từ anh em bạn bè, ông mở hướng chăn nuôi lợn. Hiện tại, ông đã có trong tay một trang trại bề thế khoảng tỷ đồng với 300 lợn thịt, gần 1 vạn vịt mỗi năm, đàn gà 1.000 con và ao cá rộng cỡ 1ha. Qua nhiều phen cúm gà, heo tai xanh, vịt nhiễm bệnh... nhưng trang trại của ông chẳng hề hấn gì. Hiện ông nợ khoảng 500 triệu đồng tiền vay của kênh Hội Nông dân tỉnh và một số dự án khác. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, lãi trong năm 2008 lên hơn 600 triệu đồng. Vậy mà ông vẫn chưa yên. Gặp chúng tôi, ông vẫn giọng sang sảng: “Vay thôi chú à. Không vay, không làm ăn lớn thì không hy vọng đổi đời. Hiện tôi đang cần vay khoảng 1,2 tỷ đồng để mở rộng quy mô trang trại phát triển nuôi lợn nái siêu nạc...”. Theo ông Lưu tính toán, đầu tư cho một lợn nái siêu nạc hết khoảng 6 triệu đồng. Dự án của ông khoảng 200 con, vị chi là 1,2 tỷ đồng. Đầu ra thì bảo đảm không? Ông Lưu quả quyết: “Tôi tham khảo thị trường rồi, không cần đâu xa, chỉ phục vụ nhu cầu cho thị trường trong tỉnh đã mệt. Miễn là đàn giống của mình bảo đảm chất lượng cao thì không sợ ế hàng...”. Cùng chung với mong muốn nói trên, nông dân Nguyễn Văn Hai (69 tuổi) ngụ ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, Trảng Bom (Đồng Nai) tâm sự: “Nhà tôi may mắn mới được vay 10 triệu đồng theo chính sách thương binh với lãi suất 0,5%. Tuy nhiên, do chỉ được vay trong vòng có 1 năm nên không thể xoay sở vì đầu tư cho nông nghiệp là việc đầu tư đòi hỏi sự lâu dài, không thể một sớm một chiều. Nông dân chúng tôi bây giờ đang thực sự rất cần vốn để làm ăn. Vay càng nhiều, thời gian càng dài càng tốt. Ngân hàng muốn không bị mất vốn thì cứ xét từng hồ sơ vay vốn xem họ vay làm gì, đồng tiền họ đầu tư có khả thi hay không là biết. Nhà tôi bây giờ chỉ mong sao vay được khoảng 20 triệu để đầu tư vào 5 sào lúa và vườn cây ăn trái và chăn nuôi”. Bà Lê Thị Thu Hương ngụ ấp Nhơn Hòa, xã Tuy Hòa (Trảng Bom) cũng bày tỏ: “Gia đình tôi làm nghề nuôi bò, dê mấy chục năm nay. Hiện nay thịt bò, dê đang được giá nhà tôi đã nhiều lần tìm đến các ngân hàng với mong muốn được vay vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng không được. Giá mà bây giờ tôi được vay khoảng 30 triệu đồng thì tốt biết bao”. Theo bà Hương, hiện nay các ngân hàng rất ngại cho nông dân vay vốn có lẽ do độ rủi ro cao, khó hoàn được vốn. Chính vì thế, nhiều ngân hàng “làm khó” để nông dân khó tiếp cận được. Chính vì tâm lý này khiến cho nông dân và ngân hàng ngày càng… xa nhau. Đơn cử ở xã tôi bây giờ muốn vay vốn phải thông qua thủ tục được tổ dân phố, rồi ủy ban xã chứng nhận…”. Bà Hương cũng phân trần: “Không thể phủ nhận còn nhiều nông dân nghèo, đói vốn khi được vay vốn “làm thì ít mà ăn thì nhiều” khiến cho đồng vốn không phát huy hiệu quả và không có khả năng trả lãi và gốc". Theo: ĐỨC TRUNG - TÂM PHÙNG_ nongnghiep.vn |
Nuôi lợn ngủ ngon nhờ vaccine Dacovac-ASF2 kết hợp kỹ thuật chăn nuôi không tiếp xúc
Sâu bệnh xuất hiện sớm trên lúa hè thu
Khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng
Giống lạc chịu hạn đến từ Cuba
Hướng dẫn xử lý một số sinh vật gây hại trên mắc ca
Lúa thuần DK6 lấp lánh trên cánh đồng vàng
3 giống lúa của ThaiBinh Seed tỏa sáng trên đồng ruộng Vụ Bản
Áp dụng IPHM trong sản xuất lúa, lợi nhuận tăng thêm 5,6 triệu đồng/ha
Tẻ Nương Hà Giang 'hiên ngang' ở Đất Cảng
Giống lúa mới VNR88 mở hướng tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân Hòa Bình