TRANG CHỦ  GIỚI THIỆU  TIN TỨC  SẢN PHẨM  THỜI TIẾT  LIÊN HỆ 
GIÁ NÔNG SẢN
[ ]
Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 11/8: Chi tiết giá từng loại gạo, gạo 25% tấm cũng vượt mốc 12.000 đồng/kg

Giá lúa gạo trong nước ngày 11/8/2023: Gạo nguyên liệu giảm

Giá gạo nguyên liệu hại dài, loại 25% tấm (IR 50404) giảm 100 đồng/kg xuống 12.200-12.300 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 50404 giảm 100 đồng/kg xuống 14.200-14.300 đồng/kg; giá tấm IR 50404 ở mức 11.600-11.700 đồng/kg; cám khô 7.500-7.600 đồng/kg.

Giá lúa hôm nay 11/8 tại An Giang ổn định. Giá lúa IR50404 7.300-7.500 đồng/kg; giá lúa Nàng hoa 9 7.400-7.600 đồng/kg; giá nếp AG tươi 6.300-6.600 đồng/kg.

Với các chủng loại khác, giá lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400-7.500 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 15.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, gạo thường ổn định ở 11.500-12.500 đồng/kg; gạo nàng nhen 23.000 đồng/kg; gạo nhật 22.000 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm hôm nay 11/8 tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về nhiều, nhu cầu mua giảm, giá gạo các loại quay đầu giảm.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 10/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 20 USD/tấn. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn.

Trước diễn biến giá lúa gạo tăng mạnh trong những ngày qua, có thông tin cho biết, hiện nay, có doanh nghiệp xuất khẩu lớn đang phải tạm ngừng, không thu gom lúa gạo do giá trong nước đã vượt xa giá xuất khẩu. Doanh nghiệp đã phải đàm phán dời lại đơn hàng sang vụ Đông Xuân, bởi với giá lúa gạo như hiện nay doanh nghiệp giao hàng thì lỗ...

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023 cả nước xuất khẩu 660.738 tấn gạo, tương đương 362,66 triệu USD, giá trung bình 548,9 USD/tấn, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,5% về giá so với tháng 6/2023; so với tháng 7/2022 cũng tăng 13,6% về lượng, tăng 27,3% kim ngạch và tăng 12% về giá.

Trong tháng 7/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh 45,9% về lượng và tăng 51,4% về kim ngạch và tăng 3,8% về giá so với tháng 6/2023, đạt 242.847 tấn, tương đương 129,14 triệu USD, giá 531,8 USD/tấn; nhưng giảm 31,5% về lượng, giảm 22,1% kim ngạch, nhưng tăng 13,6% về giá so với tháng 7/2022.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 7/2023 giảm 7% về lượng và giảm 12,5% kim ngạch so với tháng 6/2023, đạt 41.787 tấn, tương đương 23,15 triệu USD; so với tháng 7/2022 thì tăng 51,3 % về lượng, tăng 59,3% kim ngạch.

Tính chung cả 7 tháng năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 4,89 triệu tấn, tương đương gần 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về khối lượng, tăng 31,4% về kim ngạch so với 7 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 534,7 USD/tấn, tăng 9,4%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 39,6% trong tổng lượng và chiếm 37,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 1,94 triệu tấn, tương đương 984,9 triệu USD, giá trung bình 508,3 USD/tấn, giảm 2,1% về lượng, nhưng tăng 6,5% về kim ngạch và tăng 8,8% về giá so với 7 tháng năm 2022.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 15,8% trong tổng kim ngạch, đạt 718.654 tấn, tương đương 413,47 triệu USD, giá trung bình 575,3 USD/tấn, tăng mạnh 54,1% về lượng và tăng 70,3% kim ngạch; giá tăng 10,5% so với 7 tháng năm 2022.

Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 602.667 tấn, tương đương 299,4 triệu USD, giá 496,8 USD/tấn, tăng mạnh 1.504% về lượng, tăng 1.530% kim ngạch và tăng nhẹ 1,6% về giá so với 7 tháng năm 2022, chiếm 12,3% trong tổng lượng và chiếm 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá gạo thế giới trong tháng 7 cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 19,7%, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Mức giá tăng cao nhất đến từ Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

Một trong các nguyên nhân chính được FAO đề cập là lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ kể từ ngày 20/7 nhằm kìm hãm lạm phát lương thực trong nước.

Dù gạo tẻ thường chỉ chiếm một phần tỉ trọng gạo xuất khẩu nhưng vì Ấn Độ chiếm tới hơn 40% hoạt động thương mại gạo toàn cầu nên vẫn "làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực đối với một bộ phận lớn dân số thế giới" - theo FAO.

Khí hậu khắc nghiệt là nguyên nhân tiếp theo. Báo cáo của FAO nêu rõ: "Những lo ngại về tác động tiềm ẩn của El Nino càng khiến giá cả tăng lên".

Mới đây, Chính phủ Thái Lan khuyến nghị nông dân giảm vụ mùa lúa do tình hình thiếu nước ngày càng đáng ngại. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan - được xem là giá gạo tiêu chuẩn của châu Á - đã tăng lên 648 USD/tấn trong tuần này.

El Nino - được dự báo gia tăng trong các tháng cuối năm - có thể làm trầm trọng thêm rủi ro đối với sản xuất toàn cầu tại các vựa lúa hàng đầu ở châu Á như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam.

Trong vài tháng tới, hướng đi của giá gạo toàn cầu sẽ được quyết định bởi tác động của El Nino. Giá gạo có thể còn cao hơn nếu các nước nhập khẩu cố gắng dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực và các nước xuất khẩu siết thêm xuất khẩu.

Theo NGUYỄN PHƯƠNG/ DÂN VIỆT 

Đầu trang Gởi E-mail Bản in
Các tin khác
  • Sầu riêng tại vườn rớt giá mạnh, sầu Ri6 chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhà vườn "ngồi trên đống lửa"
  • Lúa mất mùa, mất giá, nông dân kém vui
  • Giá dừa khô tăng cao kỷ lục
  • Tại nhiều tỉnh của Việt Nam, giá lợn hơi như 'xuống dốc không phanh', dưới 70.000 đồng/kg là giá lợn miền Bắc
  • Ở Việt Nam, giá lợn hơi "quay xe" giảm đồng loạt, lợn thịt miền Nam mất mốc đỉnh cao 83.000 đồng/kg
  • Giá hồ tiêu tăng cao, người dân hồ hởi vào vụ thu hoạch
  • Chạm mức giá kỷ lục, nay giá lợn hơi lại "trồi lên" tiếp, giá lợn hơi còn "làm mưa làm gió" đến bao giờ?
  • Giá lợn hơi sau Tết đồng loạt tăng nhanh, tại khu vực Đông Nam bộ lợn hơi vọt lên 72.000 đồng/kg
  • Kiệu được giá nhưng nông dân kém vui vì mất mùa
  • Giá lợn hơi tăng cao gần Tết Nguyên đán, người nuôi liên tục cân bán cho thương lái, lãi 2 triệu đồng/con

Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Giỏ hàng | Liên hệ | Đầu trang
Copyright 2025 © KDT Group 2010