Phòng chống hạn mặn cho cây sầu riêng trong mùa khô
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có trên 33,2 ngàn ha sầu riêng, chiếm khoảng 30% diện tích trồng sầu riêng của cả nước. Sản xuất sầu riêng ở ĐBSCL đã và đang mang lại thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho nông hộ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tham gia chuỗi cung ứng, đồng thời mang lại ngoại tệ cho đất nước thông qua hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất sầu riêng của nhiều địa phương ở ĐBSCL, nhất là các địa bàn dễ bị xâm nhập mặn và hạn vào mùa khô. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Elnino sẽ duy trì đến khoảng tháng 4/2024, mùa mưa 2023 có khả năng kết thúc sớm, dự báo độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023 - 2024 ở mức cao. Điều này xảy ra sẽ là mối nguy rất lớn cho nhà vườn trồng sầu riêng, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư vào sản xuất, thẩm chí có thể vườn cây bị chết.
Trong khuôn khổ Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình vườn mẫu cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì, các mô hình trồng sầu riêng có áp dụng các biện pháp hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như tưới nước tiết kiệm, áp dụng các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn đã được triển khai tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Hậu Giang. Viện chuyển giao cho nhà vườn về các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn trên cây sầu riêng đã được triển khai thông qua các lớp tập huấn trong và ngoài mô hình. Sau đây là một số giải pháp phòng chống hạn mặn cho cây sầu riêng trong mùa khô, xin được tóm tắt và chuyển giao để nhiều nhà vườn có thể áp dụng. Chăm sóc cây sầu riêng trước giai đoạn xâm nhập mặn: - Củng cố hệ thống đê bao của vườn để tránh nước mặn xâm nhập. - Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô… - Cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để kịp thời ngăn chặn nước mặn, lấy nước dự trữ trong mương hoặc trong những túi nilon dày để tưới cho cây trong những tháng nước nhiễm mặn. - Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu nước của cây, tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. - Không xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu quả và phát triển quả. - Bón 40 - 60kg phân hữu cơ được ủ hoai (phân chuồng), kết hợp phun 1 lần Brassinosteroids 50ppm và Canxi nitrat 0,5% ở thời điểm trước khi mặn xâm nhập. Chăm sóc cây sầu riêng trong giai đoạn xâm nhập mặn: Phun 4 lần Brassinosteroids 50ppm và Canxi nitrat 0,5% ngay khi nguồn nước tưới nhiễm mặn, các lần tiếp theo phun sau đó 15 ngày. Nếu nước có độ mặn < 0,5‰ thì tưới bình thường. Hạn chế tưới nước có độ mặn > 0,5‰ ở giai đoạn ra hoa và mang quả tập trung. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu giúp cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới). Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn tại địa phương, kiểm tra nồng độ mặn của nguồn nước trên sông, rạch để kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước vào vườn. Phục hồi vườn cây sầu riêng sau hạn, mặn: Cây sầu riêng (Durio zibethinus Murr.) được xếp vào nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn < 1‰ (<1g/lít), đồng thời cũng là cây chịu hạn kém. Chúng tôi xin được giới thiệu quy trình phục hồi vườn sầu riêng để giúp bà con nông dân tùy tình hình thực tế, mức độ thiệt hại của từng vườn sầu riêng, nguồn vật tư nông nghiệp hiện có hoặc tương tự tại địa phương để vận dụng linh hoạt vào việc khôi phục cây sầu riêng bị ảnh hưởng hạn mặn. Các bước như sau: - Bước 1: Rửa mặn cho đất. Sau khi kết thúc mặn, tưới ngọt liên tục 3 - 5 ngày (ngày tưới 2 - 3 lần, mỗi lần 15 - 30 phút, tưới bằng béc phun) để rửa trôi muối tích tụ trong đất. Tiến hành bón vôi 2 - 3kg/cây và tưới nước sạch để vôi tan trong đất, các ion Canxi từ vôi sẽ đẩy các ion Natri bám trên bề mặt keo đất ra ngoài dung dịch để sớm bị rửa trôi. - Bước 2: Phục hồi bộ rễ và bộ lá. 7 - 10 ngày sau khi tưới nước ngọt và bón vôi cho đất để rửa mặn, cần tiến hành bón phân hữu cơ sinh học như đạm cá, humic, Trichoderma, Mycorrhiza… để giúp cây sầu riêng phục hồi bộ rễ. Lưu ý: Trong giai đoạn này tuyệt đối không bón phân hóa học cho cây sầu riêng. Song song với việc tái tạo bộ rễ mới, sẽ tiến hành khôi phục bộ lá bằng các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ - sinh học phun qua lá. - Bước 3: Hỗ trợ bộ lá phát triển. Sau 10 ngày kể từ khi bón phân khôi phục bộ rễ thì tiếp tục tiến hành phun qua lá bằng các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ - sinh học. - Bước 4: Hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá Sau 10 ngày thực hiện Bước 3, sử dụng phân bón tương tự như ở Bước 2. - Bước 5: Tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp Sau Bước 4 được 20 ngày, tiến hành bón gốc phân hữu cơ vi sinh (phân hữu cơ nở) và phun qua lá các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ - sinh học. NHÓM NGHIÊN CỨU CÂY ĂN QUẢ MIỀN NAM |
- Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef
- Cảnh báo kỳ mặn cao điểm từ ngày 28/1 đến 3/2, trùng dịp Tết Nguyên đán
- Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch
- Hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất bắp
- Giống lúa lai KCR06-1: Từ đồng ruộng mặn mòi đến thị trường quốc tế
- Giống lúa lai 3 dòng Syn18 năng suất cao, gạo ngon
- Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá
- Trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, ong mật dập dìu về làm tổ
- Gia tăng dinh dưỡng cho đất để sản xuất rau màu bền vững
- Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao