Bí quyết chăm sầu riêng nghịch vụ trái sai trĩu cành, béo ngậy của anh Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp ở Cần Thơ
Trong vườn sầu riêng của anh Nguyễn Quốc Hội, hàng trăm gốc sầu riêng đang phát triển xanh tốt, tàng lá phủ rợp cả khu vườn. Đó là thành quả sau 8 năm cải tạo vườn tạp và chuyển từ đất lúa không hiệu quả lên làm vườn của anh Hội. Trong số 3ha trồng sầu riêng, đã có 1ha cho trái, 2ha còn lại trồng từ 2-3 năm. Hưởng ứng phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã Thới Thạnh phát động, năm 2016, anh Nguyễn Quốc Hội đã mạnh dạn cải tạo đất trồng lúa không hiệu quả để lên vườn trồng cam xoàn xen canh sầu riêng. Với diện tích 1,5ha, anh Hội trồng được 280 gốc sầu riêng Monthong, 700 gốc cam xoàn xen canh. Theo anh Hội, thời gian trồng sầu riêng đến khi có thu nhập ít nhất là 5 năm. Trong lúc chờ đợi cây sầu riêng phát triển, anh Hội tận dụng phần diện tích đất trống để trồng xen canh cam xoàn. Qua 3 năm chăm sóc, vườn cam xoàn phát triển xanh tốt. Anh Hội cho biết: "Từ năm 2019, cam xoàn bắt đầu cho trái chiếng. Từ năm 2020 đến năm 2021, vườn cam xoàn cho trái ổn định. Bình quân mỗi năm bán được khoảng 500 triệu đồng. Nhờ có cam xoàn, tôi có thu nhập ổn định, có tiền đầu tư chăm sóc vườn sầu riêng". Đến cuối năm 2021, anh Nguyễn Quốc Hội quyết định đốn bỏ 700 cây cam xoàn để tập trung chăm sóc vườn sầu riêng. Anh Hội kể: "Năm 2022, trong tổng số 1,5ha trồng sầu riêng lúc đầu, có 1ha được tôi xử lý cho trái. Vụ đầu, tôi thu hoạch được hơn 8 tấn trái, bán cho thương lái đến vườn thu mua với giá 80.000 đồng/kg, thu nhập được hơn 600 triệu đồng". Đến năm 2023, anh Hội đã nghiên cứu và ứng dụng thành công việc xử lý cho cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ để bán giá cao. Theo anh Hội, đặc tính của cây sầu riêng là từ khi xiết nước xử lý ra hoa đến khi thu hoạch là 6 tháng. Để cho sầu riêng ra trái nghịch vụ, vào khoảng tháng 6-7 âm lịch anh xiết nước, kết hợp với bón phân để cây ra hoa. Sau khi cây ra hoa, anh bón phân, phun thuốc theo định kỳ để sầu riêng phát triển. Một số sâu, bệnh cây sầu riêng thường gặp như xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ và rầy xanh tấn công. Nếu người trồng phun thuốc theo định kỳ để phòng, chống thì sẽ hạn chế sâu bệnh xâm nhập. Với phương pháp canh tác này, năm 2023, 1,5ha sầu riêng của anh Hội thu hoạch được hơn 10 tấn trái, thu nhập hơn 1,2 tỉ đồng. Qua nhiều năm chăm sóc, anh Hội nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên từ năm 2022, anh tiếp tục mua đất, chuyển đổi 1,5ha đất ruộng trồng lúa không hiệu quả để lên vườn trồng sầu riêng. Đến nay, anh Hội có tổng cộng 3ha trồng sầu riêng, trong đó 1,5ha đang cho trái ổn định, 1,5ha còn lại trồng được 1-2 năm. Để nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm chi phí, anh Hội đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động cho vườn sầu riêng. Anh Hội cho biết: "Trước đây, gia đình tôi tốn chi phí rất lớn để thuê nhân công tưới nước, phun thuốc. Tuy nhiên, việc thuê nhân công cũng gặp rất nhiều khó khăn. Qua nghiên cứu và tham quan các mô hình trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, tôi đã lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc trừ sâu tự động cho cây sầu riêng. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc đến nay, gia đình tôi đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, tiết kiệm được chi phí mà cây lại phát triển rất tốt". Nhờ ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong chuyên canh sầu riêng nên sầu riêng của vườn anh Hội đạt năng suất, chất lượng cao, vị béo và thơm hơn. Năm 2002, anh Nguyễn Quốc Hội tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn của Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ và từng đi làm công nhân ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2008, anh Hội đã tích cóp được số vốn để về quê khởi nghiệp, làm kinh tế. Từ năm 2008-2020, anh Hội là người tiên phong và gặt hái nhiều thành công với các mô hình nuôi chim bồ câu thịt, nuôi heo, nuôi vịt và nuôi trăn sinh sản. Dù ở lĩnh vực nào, anh Hội cũng thành công và sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho hội viên, nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất. Công việc làm ăn thuận lợi, từ diện tích 5 công vườn cha mẹ cho ban đầu, đến nay anh Hội đã mua thêm ruộng, vườn nâng tổng diện tích lên 3ha. Bên cạnh sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Nguyễn Quốc Hội còn được cán bộ, đảng viên và nhân dân ấp Thới Hòa B, xã Thới Thạnh bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp từ năm 2008 đến nay. Anh Hội tâm sự: "Dù ở cương vị nào tôi cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Muốn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bản thân mình phải làm gương và làm đạt kết quả tốt. Từ đó, mình mới hướng dẫn, thuyết phục bà con làm theo" Theo K.V/ BÁO CẦN THƠ |
- Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Cho loài gà tre ăn trùn quế, đẻ ra quả trứng bé thôi, anh nông dân Lâm Đồng bán giá cao vẫn khối người mua
- Bí quyết trồng khoai lang giúp lợi nhuận tăng gần 3 lần
- Cứ nuôi tôm 2 vụ lại xen một vụ nuôi cá đặc sản, nông dân Sóc Trăng bất ngờ đếm tiền nhiều hơn hẳn
- Nuôi tôm siêu thâm canh bằng thảo dược
- 'Bí kíp' trồng xoài giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng
- Chăn nuôi chả cần nhốt chuồng là chăn nuôi kiểu gì mà bà chủ tha hồ nhặt trứng, bán giá cao?
- Nuôi vịt chuồng lạnh hạn chế rủi ro
- Cái khó ló cái khôn, dân Nghệ An dùng kế hay khiến cây chanh "chết giả" kích thích sai hoa, đậu quả